Dệt may



Nguồn: Hiệp hội Dệt may và Tổng cục Hải quan

Đến nay, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có hơn 5000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2,5 triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của ngành là 25,790 tỉ đô la Mỹ (trong đó : sản phẩm dệt may chiếm 22,81 tỉ đô la Mỹ, xơ sợi dệt các loại chiếm 2,54 tỉ đô la Mỹ), tăng 4,45% so với năm 2014 và kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015.

Biểu đồ 1. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giai đoạn 2011 - 2015 
Đơn vị: USD 
 
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Biểu đồ 2. Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 
Đơn vị: USD

 

- Sản phẩm
+ Sợi bông: 5000 tấn
+ Sợi tổng hợp: 400000 tấn
+ Sợi Filament: 182000 tấn
+ Sợi Spun: 6.2 triệu cọc sợi, 900000 tấn sợi tơ kéo
+ Vải dệt thoi và vải dệt kim: 1500 triệu mét vuông
+ In ấn và hoàn thiện: 1500 triệu mét vuông
+ Quần áo: 4 tỉ sản phẩm

1. Đánh giá chung ngành công nghiệp dệt may Việt Nam
Ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề ngày càng chiếm tỉ lệ lớn và sự ưu đãi từ các chính sách nhà nước, ngành dệt may đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năng lực sản xuất
Ngành dệt may Việt Nam có năng lực sản xuất cao. Ngành may hiện có 4.424 doanh nghiệp (tính đến 31/12/2013), sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động. Sản phẩm may đạt 4 tỷ đơn vị. Ngành dệt may còn có các sản phẩm khác bao gồm bông xơ 8000 tấn, sợi 900 nghìn tấn, vải 1,5 tỷ m2. Tỷ lệ nội địa hóa chung toàn ngành đạt khoảng 50%.

Năng lực xuất khẩu
Năng lực xuất khẩu của ngành dệt may cũng rất ấn tượng. Cho đến năm 2012 hàng dệt may là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam, từ năm 2013 đứng thứ hai (sau điện thoại di động).  Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 4 thế giới, chiếm 4,92% giá trị xuất khẩu dệt may toàn cầu năm 2014, sau Trung Quốc, Bangladesh, Italia. Cả nước có trên 3.100 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, trong đó 1,2% doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, 3,25% doanh nghiệp đạt trên 50 triệu USD, 30% doanh nghiệp đạt trên 1 triệu USD (số liệu năm 2014).

Phương thức xuất khẩu dệt may Việt Nam
Hàng dệt may Việt Nam có chất lượng và uy tín, có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, sản lượng linh hoạt. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo hai phương thức là CMT và FOB đơn giản như sau:

- Phương thức gia công hàng xuất khẩu - CMT (Cut - Make - Trim): là phương pháp xuất khẩu đơn giản nhất. Khi hợp tác theo phương thức này, các khách mua, các đại lý mua hàng và các tổ chức mua hàng cung cấp cho doanh nghiệp gia công toàn bộ đầu vào để sản xuất sản phẩm bao gồm mẫu thiết kế, nguyên liệu, vận chuyển. Các nhà sản xuất chỉ thực hiện việc cắt, may và hoàn thiện sản phẩm. Doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu theo CMT chỉ cần có khả năng sản xuất và một chút khả năng thiết kế để thực hiện mẫu sản phẩm.

- Phương thức xuất khẩu FOB (Free On Board): FOB là một phương thức xuất khẩu ở bậc cao hơn so với CMT. Thuật ngữ FOB trong ngành dệt may được hiểu là một hình thức theo kiểu mua đứt - bán đoạn. Theo phương thức FOB, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng. Khác với CMT, các nhà sản xuất theo FOB sẽ chủ động mua nguyên liệu đầu vào cần thiết thay vì được cung cấp từ người mua của họ. Các hoạt động theo phương thức FOB thay đổi đáng kể dựa theo các hình thức quan hệ hợp đồng thực tế giữa nhà cung cấp với khách mua hàng nước ngoài.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam hiện nay chủ yếu may gia công theo hình thức CMT (cut, make and trim) đơn giản cho các hãng nước ngoài. Tỷ trọng xuất khẩu dưới hình thức này chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Do vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành cao nhưng giá trị gia tăng của ngành còn thấp.

Nguyên phụ liệu dệt may
Ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa chủ động tạo được nguồn nguyên phụ liệu đạt chất lượng cao trong nước phù hợp yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu mà phụ thuộc lớn vào nhập khẩu (khoảng 60-70%). Ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 100% nhu cầu xơ sợi tổng hợp, 50% nhu cầu sợi bông và 80% vải khổ rộng.

Chất lượng lao động của ngành dệt may
Theo nghiên cứu của Bộ lao động, cứ 1 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sẽ tạo thêm khoảng 250.000 việc làm. Hiện nay, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 49% dân số trong độ tuổi lao động đã cung cấp cho ngành dệt may nguồn lao động dồi dào. Hơn nữa, chi phí lao động ngành dệt may Việt Nam tương đối thấp so với nhiều nước trong khu vực. Lợi thế nhân công rẻ giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, giúp các doanh nghiệp dệt may cạnh tranh về giá cả.

Tuy nhiên ngành dệt may Việt Nam lại thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và đội ngũ nhân sự lành nghề về kỹ thuật trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Hơn nữa, chi phí lao động rẻ nhưng chi phí bình quân cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn của Ân Độ, Trung Quốc, Indonexia tới 30% - 40%. Năng suất lao động nước ta thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động hơn nữa để hạ giá thành sản phẩm.

2. Phân tích SWOT
2.1 Điểm mạnh (S)
- Với nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, các công ty dệt may Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm dệt may chất lượng cao.
- 90% các thiết bị trong ngành may mặc được hiện đại hóa, đáp ứng các yêu cầu của các nhà nhập khẩu dệt may nước ngoài.
- Nhiều doanh nghiệp dệt may được tổ chức tốt và có quy mô lớn, có kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu, có thể tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý và xã hội. Hơn nữa các công ty này còn có mối quan hệ chặt chẽ và ổn định với rất nhiều nhà nhập khẩu và bán lẻ trên thế giới.
- Việt Nam có vị trí địa lý gần với các nguồn nguyên liệu (vải, phụ kiện chính cho ngành) trên thế giới.

2.2 Điểm yếu
- Ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành còn yếu, 70% nguyên liệu phục vụ cho ngành được nhập khẩu từ nước ngoài, dẫn đến việc công việc sản xuất còn thụ động, hạn chế khả năng phản ứng nhanh chóng.
- Quản lý sản xuất và công nghệ vẫn còn yếu, năng suất lao động còn thấp, và các sản phẩm không đa dạng.
- Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với các nguồn vốn đầu tư thấp và hạn chế khả năng về đổi mới công nghệ và thiết bị. Khả năng đào tạo nguồn nhân lực quản lý trung và cao cấp, thiết kế thời trang vẫn còn thấp.
- Công tác marketing và xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế. Công tác thiết kế thời trang, xây dựng và phát triển thương hiệu không được chú trọng.

2.3 Cơ hội
- Xu hướng chuyển địa điểm sản xuất hàng dệt may từ các nước phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển ngành công nghiệp dệt may.
- Khả năng tiếp cận thị trường được tăng cao khi Việt Nam ký kết các FTA như: FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu, FTA Việt Nam – EU, TPP…

2.4 Thách thức
- Nhiều rào cản thương mại và rào cản kĩ thuật như quy định về hóa chất, sản phẩm an toàn… tạo ra chi phí cao hơn đối với các nhà cung cấp.
- Cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ quốc tế, đặc biệt là từ các nhà cung cấp hàng dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

3. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 11 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3218/2014/QĐ-BCT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định này nêu rõ quan điểm phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; Chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu…

Mục tiêu phát triển Xây dựng ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới…

Giai đoạn 2013 đến 2015: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 11% đến 12%/năm, ngành may tăng 13% đến 14%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% đến 11%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 9% đến 10%/năm. 

Giai đoạn 2016 đến 2020: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 12% đến 13%/năm, trong đó ngành dệt tăng 13% đến 14%/năm, ngành may tăng 12% đến 13%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 10% đến 12%/năm. 

Giai đoạn 2021 đến 2030: tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 9% đến 10%/năm. Trong đó ngành dệt tăng 10% đến 11%/năm, ngành may tăng 9% đến 10%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% đến 7%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt 8% đến 9%/năm. Cơ cấu ngành dệt, ngành may trong cơ cấu toàn ngành dệt may: đến năm 2015, ngành dệt chiếm tỷ trọng 45%, ngành may chiếm tỷ trọng 55%; năm 2020, tỷ trọng ngành dệt tăng lên 47%, ngành may giảm còn 53%; năm 2030, ngành dệt tăng lên 49%, ngành may còn 51% trong toàn bộ cơ cấu ngành dệt may.

Nội dung về tổng quan ngành công nghiệp được thực hiện với sự hỗ trợ của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC. 

Để biết thêm chi tiết, xin truy cập https://viracresearch.com/industry

Dữ liệu ngành được lấy từ VIRAC
Quy hoạch phát triển ngành
Doanh nghiệp trong ngành
Phân tích và Báo cáo
Một số báo cáo tham khảo về ngành dệt may:



Lưu ý: các phân tích và báo cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo, Ban biên tập Cổng thông tin không chịu trách nhiệm về nội dung của các phân tích và báo cáo trên.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác