Theo số liệu nghiên cứu thị trường, tính đến hết tháng 11 năm 2020 Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 2,1 tỷ USD.
Luỹ kế đến tháng 11/2020, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 18 tỷ USD vào Việt Nam với khoảng 3.087 dự án. FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam còn lớn hơn nhiều lần số liệu thống kê, lý do là các nhà đầu tư Trung Quốc và nguồn vốn đầu tư liên doanh liên kết, góp vốn (bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc…) ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực là rất nhiều.
Tình hình dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến tháng 10/2020
Khi Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, buộc doanh nghiệp nước này tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ. Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn, nên đã được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại hai chiều, tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp. Việt Nam cần nghiên cứu để tận dụng cơ hội, có chính sách thích hợp theo hướng lựa chọn, sàng lọc, bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai phát triển các khu kinh tế cửa khẩu để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhưng ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch phát triển khu kinh tế đặc biệt ở tỉnh Quảng Tây-đầu mối giao thương trong chiến lược Trung Quốc-Asean, trong đó các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trả lương cao để thu hút lao động từ Việt Nam sang. Tại các khu công nghiệp trên toàn quốc, tính đến hết quý 3 năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án, chiếm tỷ lệ 20%, với tổng giá trị 300 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vốn FDI từ các nước Châu Á nói chung và từ Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào nước ta ngày một nhiều hơn; Việt Nam cũng cần có nguồn vốn đó để bảo đảm đủ vốn cho nhu cầu phát triển và chuyển đổi nền kinh tế. Các bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI là tài sản quý giá để Việt Nam có chính sách phù hợp trong việc tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế để phát triển bền vững. Định hướng mới về FDI trung hạn và dài hạn phải lấy chất lượng làm trọng, không khoan nhượng với dự án của bất kỳ ngành nghề, đối tác, địa phương nào, phải đặt trong bối cảnh nước ta đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng với tốc độ cao để hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. Mục tiêu chất lượng đòi hỏi phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI, bởi vì có liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.