Tỉnh Quảng Ninh là một cực của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người, đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Năm 2020, Quảng Ninh dự kiến đạt tăng trưởng GRDP 10%, thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán Trung ương giao, nằm trong top các địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.
Giai đoạn 2015-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt gần 300.000 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư này đã tạo cho Quảng Ninh một bước nhảy vọt là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển và đường hàng không). Tỉnh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Hai năm qua, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và cả nước đang gặp nhiều khó khăn, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP hơn 7%, cao hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, thu ngân sách luôn đứng trong nhóm năm tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 khu kinh tế (KKT) và 10 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 72 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,2 tỷ USD. 15/72 dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký từ 50 triệu USD trở lên, chiếm 20,83% tổng số dự án. Các KCN, KKT của tỉnh bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Amata (Thái Lan), Rent A Port (Bỉ); TCL (Trung Quốc), Foxconn (Đài Loan), Bumjin (Hàn Quốc), Toray, Yazaky (Nhật Bản), Wilmar (Singapore)... Các dự án FDI trong KCN, KKT của tỉnh chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: Kinh doanh bất động sản (hạ tầng KCN, nhà xưởng cho thuê), dệt may, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; chế biến thực phẩm và một số ngành nghề khác. Đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 2 tỉ USD vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, trong đó giá trị giải ngân các dự án ngoài ngân sách trong các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đạt ít nhất 1 tỉ USD.
Khu công nghiệp Cái Lân
Trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh; đồng thời, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” KCN - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hình thành các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển cụm liên kết, tăng cường liên kết trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Để đón làn sóng đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19, hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển hạ tầng KCN, KKT; các chính sách đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động và chính sách thu hút, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho KCN, KKT. Đây chính là 3 đột phá chiến lược của tỉnh gồm phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực, song song với công tác hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư.
Định hướng không gian kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ phát triển theo hướng một trục hai cánh. Trục chính là Hạ Long sẽ chuyển đổi phương thức phát triển ở đẳng cấp cao hơn trong phát triển xanh theo hướng là thành phố đa năng của vùng, thành phố du lịch, cảng biển quốc tế văn minh, hiện đại; lấy phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa làm trọng tâm và đột phá. Cánh phía Tây (bao gồm Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Ba Chẽ) phát triển công nghiệp ở tầm cao mới là chuỗi công nghiệp không khói với sự hỗ trợ của phát triển kinh tế xanh do ở đây có nền tảng hạ tầng và môi trường công nghiệp hỗ trợ từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cánh phía Đông (bao gồm Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Bình Liêu) sẽ bao gồm chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái và dịch vụ cao cấp hiện đại để phát triển dịch vụ biên mậu, du lịch với hai động lực là hai khu kinh tế đặc biệt Móng Cái và Vân Đồn do ở đây có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, có hạ tầng thương mại quốc tế thuận lợi; lại là cửa ngõ giao thương trung chuyển hàng hóa giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.