Nhận định về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2021

Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Alpha Group, tính đến hết tháng 11 năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, có 2.313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD. Vốn điều chỉnh có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng thêm trên 6,3 tỷ USD. Đối với góp vốn mua cổ phần, có 5.812 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 6,5 tỷ USD.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD.

Về đối tác đầu tư, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2020. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm 14 % tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan… Tuy nhiên nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 573 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 311 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 251 dự án, Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ tư với 164 dự án...


Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó tỉnh Bạc Liêu dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư; Thủ đô Hà Nội đứng thứ ba với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh… Tuy nhiên nếu xét theo số lượng dự án mới thì thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 865 dự án, Thủ đô Hà Nội đứng thứ hai với 470 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 136 dự án...

Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 như sau: xuất khẩu kể cả dầu thô đạt gần 181 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ, chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 148,9 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ và chiếm 63,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 12,7 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 19,4 tỷ USD.












Top10_FDI-01

Top10_FDI-01

Từ những số liệu  nghiên cứu thị trường nói trên, chuyên gia phân tích kinh tế Nguyễn Thanh Hà của Alpha Group có một số nhận định và dự báo xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2021 như sau:

Thứ nhất, nhìn vào danh sách 10 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2020 sẽ thấy tỉnh Bạc Liêu dẫn đầu. Tuy nhiên nguyên nhân là Bạc Liêu có Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do nhà đầu tư Singapore đầu tư 4 tỷ USD giúp tổng vốn FDI vào Bạc Liêu đứng đầu cả nước trong 11 tháng đầu năm 2020. Do đó chúng ta có thể thấy các địa phương thu hút đầu tư năm 2021 và giai đoạn tiếp theo sẽ vẫn là: Tp. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa; tuy cơ cấu đầu tư vào các tỉnh, thành phố sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư của từng địa phương.

Thứ hai, nhìn vào lĩnh vực đầu tư chúng ta sẽ thấy trong vòng 3 năm tới lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Lĩnh vực năng lượng, sản xuất, phân phối điện từ năm 2021 sẽ giảm đi nếu các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này không tiếp tục giữ ở mức như hiện nay; tuy đầu tư mới giảm đi, nhưng thị trường mua bán-chuyển nhượng-góp vốn trong lĩnh vực điện và năng lượng sẽ tăng lên trong năm 2021. Năm 2021, sau khi đại dịch Covid19 được khống chế, đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục tăng lên; hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do tác động của việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, điều này dẫn đến đầu tư vào thương mại và logistic sẽ tăng rất mạnh. Bất động sản công nghiệp như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh để đón làn sóng đầu tư và dịch chuyển đầu tư từ các nước sang Việt Nam. 

Thứ ba, ngay từ đầu năm 2021 Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các thị trường sau: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Mỹ, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh… Chúng ta cần phải vận dụng tất cả các kênh để xúc tiến nhanh, mạnh, hiệu quả như: các tổ chức xúc tiến trong nước, các tổ chức xúc tiến nước ngoài, Đại sứ quán-Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, Phòng thương mại của các nước tại Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp của các nước, các tập đoàn đa quốc gia… Tất nhiên, song song với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thì các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phải đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, nhìn vào số liệu xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 của khối FDI không kể dầu thô đạt 179,5 tỷ USD, chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước, bù đắp phần nhập siêu 12,7 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 19,4 tỷ USD, ta sẽ thấy đóng góp của khối FDI rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Do đó chúng ta vừa phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI như đã phân tích trên đây, nhưng cũng phải có những chính sách hợp lý, hỗ trợ, khuyến khích, định hướng cho khối doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh lên để tận dụng các tiềm năng của đất nước, làm giàu trên chính quê hương mình. Theo nghiên cứu của Alpha Group thì 5 năm trở lại đây các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực bán lẻ đã bán phần lớn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; và trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực năng lượng, điện cũng đang đàm phán để bán phần lớn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Về nội dung tại sao nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trong nhiều ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam? tại sao doanh nghiệp trong nước bị thua ngay trên sân nhà? Chúng tôi sẽ có những bài phân tích chuyên sâu khác.

Tóm lại, sau khi đại dịch Covid19 được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ là giai đoạn Việt Nam tăng trưởng cả về xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay từ bây giờ các bộ ngành, các địa phương và khối doanh nghiệp cần chủ động hành động ngay để đón nhận vận hội mới, để cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng lựa chọn Việt Nam là sự lựa chọn tốt nhất, khôn ngoan nhất.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác