Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. 
Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đồng thời nhằm đồng hành và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã trực tiếp lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động thu hút đầu tư. Đa số các nội dung kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư qua từng tháng đã được UBND tỉnh tiếp thu, giải quyết và xử lý trực tiếp với sự đồng thuận cao của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại các buổi gặp mặt doanh nghiệp và nhà đầu tư, tỉnh Yên Bái đã mời các chuyên gia kinh tế thông tin tới doanh nghiệp và các nhà đầu tư về các chính sách mới thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt là các thông tin về vốn, thuế, các các nội dung về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, EVFTA, cũng như tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, cơ hội cho doanh nghiệp Yên Bái trong thời kỳ hội nhập.
 
Hiện đã có 53 nhà đầu tư đăng ký thực hiện với 55 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh, với tổng vốn đầu tư đăng ký 11.810 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đăng ký sử dụng 326 ha, trong đó: có 31 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang đầu tư xây dựng; 2 dự án đang tạm dừng hoạt động; 18 dự án đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng và hoàn thiện thủ tục đầu tư.
 
Tỉnh cũng đã ban hành quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 về việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ về thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất (như san tạo mặt bằng, tiền thuê đất), hỗ trợ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ miễn phí cho nhà đầu tư trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giới thiệu sản phẩm trên Website và các kênh thông tin khác,...
 
Khó khăn hiện tại là nguồn vốn phân bổ để đầu tư hạ tầng cho các KCN hạn chế nên các công trình hạ tầng tại các khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ; hệ thống đường nội bộ chủ yếu mới mở nền, cấp phối, chưa có hệ thống thoát nước mặt, hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số tuyến đường trong khu công nghiệp phía Nam đã được đầu tư và đang khai thác sử dụng, chưa có nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên nên đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc giao thông đi lại của các nhà đầu tư và sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp./.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác