M&A kênh huy động vốn mới hiệu quả trong đầu tư tại Việt Nam

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động M&A đã phát triển không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ mà còn thực sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hoạt động M&A đã đóng vai trò tích cực vào quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, số lượng các thương vụ thành công ngày càng nhiều, với nhiều thương vụ có giá trị rất cao và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng quan tâm cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam. 
Hoạt động M&A trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký: năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4%. Các lĩnh vực M&A sôi động nhất trong giai đoạn 2017-2020 bao gồm: sản xuất hàng tiêu dùng, phân phối, bất động sản, năng lượng. Đây là các lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thuộc khối ngoại. Bên cạnh đó, các lĩnh vực như viễn thông, hạ tầng, dược phẩm-y tế, nông nghiệp, tài chính-ngân hàng, logistic, giáo dục… cũng đang thu hút các nhà đầu tư. Đó là tín hiệu đáng mừng do 2 nguyên nhân chính: quy mô doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh tạo ra nguồn cung dồi dào cho M&A và chính sách mở cửa với thị trường chứng khoán theo chủ trương tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động M&A diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp: Tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ... M&A có lợi thế của đầu tư mới, vì nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp có thể mang lại lợi nhuận cho họ trên cơ sở theo dõi và nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp bán cổ phần; thời gian thực hiện dự án nhanh hơn nhiều vì thủ tục đơn giản hơn.
 
https://media.baodautu.vn/Images/manhcuong/2020/12/09/hoatdong1.JPG

Năm 2018 tổng giá trị các thương vụ M&A Việt Nam đạt 7,64 tỷ USD, năm 2019 đạt gần 7,20 tỷ USD, năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid19 nên ước tổng giá trị đạt khoảng 3,70 tỷ USD. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Ở khía cạnh là bên mua, các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế áp đảo, còn các doanh nghiệp Việt Nam hiện giữ vai trò phần nhiều là bên bán. Tuy nhiên hiện nay các nhà đầu tư Việt Nam đóng vai trò là bên mua ngày càng tăng, tập trung vào khối các doanh nghiệp tư nhân lớn.
https://media.baodautu.vn/Images/manhcuong/2020/12/09/hoatdong6.JPG

Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như: Vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài ra, những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán); Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới của Bộ Chính trị đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.
https://media.baodautu.vn/Images/manhcuong/2020/12/09/hoatdong2.JPG

Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) và Trung tâm nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhật (CMAC), các yếu tố trở ngại lớn nhất đối với M&A Việt Nam đó là: Tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn (85%), báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: Yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, yếu tố ngoại ngữ. Một điểm đáng chú ý là, 8/8 yếu tố này liên quan đến nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều mà các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để giải phóng các rào cản này. Trong khảo sát mới đây của MAF và CMAC, các nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021. Đa số các dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021. 42% dự đoán giá trị thị trường ở mức 3 - 4 tỷ USD, 26% lạc quan hơn khi dự đoán ở mức 4 - 5 tỷ USD, trong khi 24% thận trọng hơn với dự đoán giá trị M&A chỉ ở mức 3 tỷ USD, chỉ có 8% tin tưởng giá trị M&A sẽ vượt mốc 5 tỷ USD.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác