Cần phát triển thêm các khu công nghiệp để đón làn sóng FDI năm 2021

Trong làn sóng dịch chuyển của các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2019, các công ty đa quốc gia đã có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế làm giảm các chi phí đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, càng làm Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhiều công ty lớn trên thế giới như Apple Computers, Pegatron, Foxconn, Sharp, Nintendo hay Komatsu đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. 
Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam - Ảnh 4.
Danh sách một số tập đoàn lớn Nhật Bản có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam

Tuy nhiên hiện nay quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đang khá hạn hẹp, nguồn cung đất sẵn sàng bàn giao ở cả miền Bắc và miền Nam đều trong tình trạng không còn nhiều. Theo số liệu thống kê thời điểm quý 3 năm 2020, tổng diện tích các khu công nghiệp tại 5 tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha. Riêng tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 90%. Tại miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp đạt mức khoảng 38.000ha trong đó 24.000 ha đất công nghiệp thuộc TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
Điểm qua quỹ đất khu công nghiệp của một số doanh nghiệp đầu tư lớn sẽ thấy quỹ đất khai thác cho năm 2021 không còn nhiều: Becamex IDC đang sở hữu quỹ đất KCN 2.403 ha, nhưng năm 2021 diện tích đất khu công nghiệp cho thuê của Becamex IDC ước tính chỉ còn có 136 ha. Công ty CP Sonadezi Châu Đức đang sở hữu quỹ đất khu công nghiệp khoảng 1.556 ha, trong đó có quỹ đất thương phẩm hơn 759 ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẵn sàng cho thuê năm 2021. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc hiện có quỹ đất khu công nghiệp là 5.278 ha (chiếm gần 5,5% diện tích đất KCN trên cả nước), trong đó năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ còn khai thác cho thuê được 1400ha đất tại các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung. Vinhomes có tổng quỹ đất khu công nghiệp ước tính đạt khoảng 2.901 ha, tập trung chính tại Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó năm 2021 có quỹ đất KCN Nam Tràng Cát qui mô 200ha.
Khu công nghiệp Nam Tràng Cát - Hải Phòng

Khu công nghiệp Nam Tràng Cát – Hải Phòng
Như vậy Chính phủ và các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ đón làn sóng FDI rất mạnh vào Việt Nam năm 2021 và các năm tiếp theo như thế nào? Đây là vấn đề cấp thiết cần phải có giải pháp rất nhanh, đồng bộ, bền vững để tận dụng cơ hội “kim cương” này. Đại dịch Covid19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, làm giảm kim ngạch xuất khẩu, làm chậm tiến độ phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chiều hướng và cơ hội phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo thì thời gian nghỉ chờ đại dịch qua đi, chính là thời gian để Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư lên kế hoạch sẵn sàng thu hút làn sóng FDI sắp tới vào Việt Nam. Có như thế trong 5 năm tới Việt Nam sẽ lại có bước phát triển đột phá, tiếp tục vươn lên trở thành nền kinh tế mạnh trong khu vực.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2020 và nửa đầu năm 2021 sẽ là thời gian để Việt Nam rà soát và quy hoạch lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở cấp trung ương và các địa phương. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp. Đồng thời lên kế hoạch và triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, bắt đầu từ đầu năm 2021 bằng mọi hình thức khác nhau và qua các kênh khác nhau. Các chuyên gia tin tưởng rằng bằng các biện pháp đồng bộ, đến cuối năm 2021 sẽ có nhiều dự án FDI đáng ghi nhận, định hình cho sự phát triển của công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác