Kinh nghiệm đổi mới để thu hút đầu tư thành công của một số tỉnh, thành phố 2020

Số liệu FDI trong 5 năm từ 2016-2020 diễn biến như sau: năm 2016 vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là 15,8 tỷ USD-cao nhất trong các giai đoạn trước đó. Năm 2017 vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Năm 2018 vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là 35,46 tỷ USD, giảm bằng 98,8% so với năm 2017. Năm 2019 vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 11 năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, giảm bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm là do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid19 diễn ra trên toàn cầu).

Về địa bàn đầu tư, năm 2020 các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó tỉnh Bạc Liêu dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư; Thủ đô Hà Nội đứng thứ ba với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh… Nếu xét theo số lượng dự án mới thì thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 865 dự án, Thủ đô Hà Nội đứng thứ hai với 470 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 136 dự án... 
Những “ngôi sao” âm thầm hút mạnh vốn FDI

Đánh giá thu hút đầu tư của các địa phương trong giai đoạn 2016-2020, chuyên gia Nguyễn Thanh Hà của Alpha Group đã phân tích ngoài Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn dẫn đầu danh sách do vị trí địa lý là đầu mối về kinh tế và giao thương quốc tế, thì các địa phương sau có bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài: Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bắc Giang, Hà Nam, Tây Ninh, Bến Tre, Hải Dương, Quảng Ninh. Các chuyên gia đã nghiên cứu và tổng hợp các bài học và chiến lược độc đáo của một số địa phương để thu hút đầu tư thành công như sau:
Chiến lược của Bình Dương
Dòng vốn FDI vào Bình Dương tăng mạnh trong năm 5 qua, giai đoạn 2016-2020 tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI, đến cuối năm 2019 Bình Dương đã về đích sớm khi đạt khoảng hơn 10,2 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2020, Bình Dương sẽ đạt giá trị thu hút đầu tư FDI trên 11 tỷ USD. Như vậy, Bình Dương vượt cả về số vốn đầu tư thu hút được cũng như thời gian hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, 86% lượng vốn FDI đầu tư ở tỉnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, điện, điện tử... trong đó có hàng chục dự án quy mô từ 250 - 760 triệu đô la Mỹ, điều này cho thấy Bình Dương đã và đang thực sự là địa điểm tốt của nhà đầu tư.
Nguồn đầu tư thu hút được trong 5 năm qua đã góp phần đưa Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn của cả nước với giá trị công nghiệp và xuất khẩu đạt bình quân hơn 10% tổng sản lượng công nghiệp và giá trị xuất khẩu của cả nước. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bình Dương tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Tỉnh cũng ưu tiên tập trung thu hút vốn FDI có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, dự án của các DN, tập đoàn lớn, dự án sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao. Bình Dương xác định, công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh ở những năm tới.
Dự kiến đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Bài học từ thu hút đầu tư của Quảng Ninh
Sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây đã giúp Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu ngân sách tốt. Địa phương này ghi nhận bảy năm liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, quy hoạch quỹ đất phát triển khu công nghiệp chuyên sâu dành cho Hàn Quốc, Nhật Bản tại các huyện, thành phố Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long. 
Để có được những thành công mang tính đột phá trên, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả “3 đột phá chiến lược” gồm phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. 
Quảng Ninh đã nâng cao năng lực, vai trò, tránh nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị và tiếp tục tạo sự chuyển biến về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ. Quảng Ninh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị, những người đứng đầu để từ đó có những giải pháp, quyết sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhưng phải luôn song hành với lợi ích của người dân trong dài hạn.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế... Tỉnh cũng thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP), giám sát công khai và minh bạch các dự án PPP. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2014 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 28 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng nguồn vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng. Việc giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án trọng điểm như tuyến cao tốc kết nối các địa phương Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đi qua Đông Triều - Uông Bí - Hạ Long… cũng góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư vào Quảng Ninh trong những năm gần đây.
Việc thu hút đầu tư của Quảng Ninh sẽ đi theo định hướng phát triển bền vững. Trong đó, dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch vẫn là mũi nhọn; tiếp tục cơ cấu lại công nghiệp, nâng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Trong xây dựng quy hoạch chiến lược, tỉnh đã lựa chọn các tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch, như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)... “Đề bài” của tỉnh đối với đơn vị tư vấn là các quy hoạch phải đáp ứng được những mục tiêu: Phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế.
Chiến lược thu hút đầu tư của Bắc Ninh
Trong nhiệm kỳ 2015-2020 thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh có bước đột phá với số vốn 11,3 tỷ USD, chiếm 57,5% lũy kế vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh từ trước đến nay, với các tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín và thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Samsung, Pepsico, Foxconn, Hanwha... Nhờ đầu tư, quy mô kinh tế của tinh năm 2020 ước gấp 1,5 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, đứng đầu toàn quốc về quy mô; thu ngân sách tăng nhanh; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khởi công và hoàn thành nhiều công trình có tính liên kết không gian vùng, tạo động lực Bắc Ninh là cực tăng trưởng vùng Thủ đô.
Để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông. Tỉnh cũng nhất quán với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, theo định hướng "2 ít, 3 cao": ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động, suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới môi trường đầu tư nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của nhà đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dự án lớn, có sức lan tỏa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2021 tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, tài chính, thuế, phí, thương mại, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính... Ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phù hợp với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút vốn FDI; tạo động lực góp phần sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác