Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản – JETRO, và các cơ quan hữu quan tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến Đầu tư – Thương mại tại Nhật Bản từ ngày 23/7 - 29/7/2023. Trong khuôn khổ chương trình, chiều ngày 25/7 tại Tokyo, Hội nghị giao thương hợp tác Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã được tổ chức thành công với sự tham gia của gần 120 đại biểu đến từ các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Ảnh đại biểu tham dự hội nghị
Khai mạc Hội nghị, ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp hai nước và cho rằng Hội nghị là hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tổng Thư Ký đã giới thiệu về kế hoạch chiến lược đến năm 2025, thúc đẩy các hình thức đầu tư đa dạng như đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mang tính bền vững và có tác động xã hội. Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị gia tăng mới cho xã hội; bên cạnh đó là mở rộng toàn diện hơn nữa về thương mại và đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nhân trẻ và doanh nhân nữ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để chủ động giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài ra, Tổng Thư ký cũng nhắc lại về khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) được thông qua vào năm 2020 và ý nghĩa của hội nghị giao thương và gặp gỡ doanh nghiệp chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong công cuộc củng cố chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản xuất.
Ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC)
phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam – ông Vũ Bá Phú cho biết: “Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác chiến lược sâu rộng, quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Việt Nam là một trong những quốc gia thể hiện trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trở thành hình mẫu hợp tác, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Về hợp tác đầu tư, Nhật Bản còn 5116 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 69,9 tỷ USD, luỹ kế đến 20/6/2023. Tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư với gần 2,21 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu những tác động từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, dịch vụ, phi chế tạo, năng lượng sạch. Ngoài ra, với việc Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục có thêm động lực phát triển, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu hơn nữa vào thị trường Nhật thông qua những ưu đãi, lợi thế có được từ Hiệp định này”.
Cục trưởng Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Bá Hải - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại cũng trình bày chung về tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh thích ứng với sự chuyển dịch FDI toàn cầu trong bối cảnh hoạt động thu hút đầu tư và kinh doanh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng phần nào vì đại dịch COVID-19, sự xung đột thương mại giữa các cường quốc dẫn đến đa dạng hoá các cơ sở sản xuất và tái cơ cấu đầu tư toàn cầu, cách Việt Nam chủ động cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy, thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI mới.
Ông Nguyễn Bá Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Nhằm quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, Ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đã tư vấn 04 lĩnh vực ưu tiên được mời gọi đầu tư vào địa phương gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Đặc biệt, hạ tầng khu – cụm công nghiệp được địa phương đặc biệt quan tâm với 05 khu công nghiệp mới được thành lập. Tỉnh cũng kêu gọi nhà sản xuất, chế biến đầu tư thông qua nền tảng nông nghiệp sẵn có như lúa, cây ăn trái, và thuỷ sản, với 175 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Về ưu đãi đầu tư, với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh cam kết đồng hành và hỗ trợ mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và đầu tư vào Hậu Giang.
Ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ với các đại biểu, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tiềm năng về nông nghiệp, khoáng sản và du lịch của Lai Châu. Trong đó, quy mô lớn của chè, cao su, mắc ca, chuối, chanh leo, dứa… hứa hẹn mang lại sản lượng lớn cho tỉnh nhà, đặc biệt, đến nay đã có 158 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như quần thể sinh thái khu vực đỉnh núi Putaleng, núi Bạch Mộc Lương Tử, đèo Hoàng Liên Sơn, thác Tác Tình… và các lễ hội đặc sắc, cùng 6 di tích cấp quốc gia, Lai Châu có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, văn hoá. Tại hội nghị, Lai Châu mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Lai Châu.
Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội nghị
Đại diện tỉnh Bắc Kạn, ông Đinh Quang Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn quảng bá về tiềm năng lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại địa phương. Các sản phẩm lâm sản có lợi thế nhờ vào lượng gỗ khai thác đạt trên 300.000 m3/năm, một số sản phẩm hướng tới xuất khẩu như ván dán, ván sàn nội thất chất lượng cao, sản phẩm sản xuất dưới dạng đũa trần và đũa bọc túi ni lông... Về nông nghiệp, tỉnh hiện có 182 sản phẩm OCOP, trong đó 163 sản phẩm 3 sao, 18 sản phẩm 04 sao và 01 sản phẩm 5 sao đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, khẳng định được thương hiệu, nâng cao giá trị tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới Bắc Kạn cam kết sẽ thực hiện tốt hơn nữa những cơ chế, chính sách mở rộng thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ; quyết tâm xây dựng môi trường thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Đinh Quang Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị
“Đà Nẵng có lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường sống và sự đồng hành của chính quyền thành phố” - Bà Võ Thị Kiều Trang – Trưởng phòng Phát triển dự án, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng chia sẻ. Bà cũng cam kết thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cung cấp thông tin và chính sách ưu đãi đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư và hỗ trợ các vấn đề về hải quan, lao động... nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản vào thành phố.
Bà Võ Thị Kiều Trang – Trưởng phòng Phát triển dự án, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty Hashimotogumi; Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang và Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ thông tin G.A. Thông qua việc ký kết thoả thuận hợp tác, hai bên đã thiết lập cơ chế triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của địa phương kết nối, giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp tiếp cận môi trường đầu tư.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang
và Ông Hashimoto Kazunori - Phó Tổng giám đốc công ty Hashimotogumi
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Ông Trần Ngọc Hùng – Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang
và Ông Seki Takehiko - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ thông tin G.A
Ảnh giao thương giữa địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam
với các nhà đầu tư Nhật Bản
Ảnh giao thương giữa địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam
với các nhà đầu tư Nhật Bản
Chương trình giao thương sau Hội nghị thu hút gần 100 lượt giao dịch trực tiếp giữa các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản ở đa dạng các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam đều có đối tác Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi về tiềm năng hợp tác, nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được những đề nghị tích cực từ đối tác Nhật Bản, hai bên đã trao đổi và thảo luận để tiến hành các bước tiếp theo trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Phiên giao thương đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham gia và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp hai nước lên một tầm cao mới.