ĐOÀN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ – THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC 2023

Trong các ngày từ ngày 26/06 đến ngày 02/07/2023, Đoàn công tác xúc tiến Đầu tư – Thương mại tại Trung Quốc được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức tại Quảng Châu, Thượng Hải và Hàng Châu (Trung Quốc) do đồng chí Đào Việt Anh - Trưởng phòng Phòng Quan hệ quốc tế làm Trưởng đoàn cùng với sự tham dự của lãnh đạo các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp thương mại Việt Nam.
Chuyến công tác lần này nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam, thông tin về nhu cầu hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khu công nghiệp của Việt Nam, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam và tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thương mại. Chương trình có sự tham dự của 06 khu công nghiệp/cụm công nghiệp và doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam gồm Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikiko, Khu công nghiệp Amber Yên Quang, Khu công nghiệp Tiền Hải, Khu kinh tế Vimariel, Cụm công nghiệp Xuân Lai, Cụm công nghiệp Điền Trung và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Trí Hưng. 
Trong thời gian làm việc tại các địa phương của Trung Quốc, Đoàn công tác đã tham dự 02 Hội nghị lớn về xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối doanh nghiệp do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tại Quảng Châu, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải và các cơ quan Xúc tiến thương mại của phía Trung Quốc tổ chức, cụ thể: Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) tổ chức ngày 27/06 tại Quảng Châu và Hội nghị xúc tiến Đầu tư – Thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Chiết Giang) tổ chức ngày 30/06 tại Hàng Châu. Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý về Xúc tiến thương mại, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Trung Quốc những thông tin toàn diện về môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lớn của hai “đầu tầu” kinh tế của Trung Quốc là tỉnh Quảng Đông và tỉnh Chiết Giang quan tâm, đầu tư vào Việt Nam và cùng với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khu công nghiệp chia sẻ cơ hội để cùng phát triển, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế và thương mại song phương, cùng xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp.
Ảnh giao thương giữa doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Trung Quốc
Tại Hội nghị được tổ chức tại Quảng Châu, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á châu Phi, Bộ Công Thương – ông Tô Ngọc Sơn cho biết đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Quảng Đông là địa phương có kim ngạch thương mại lớn nhất với Việt Nam, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tới Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa Quảng Đông và Việt Nam đạt 47,3 tỷ USD năm 2022, vốn FDI đăng ký của doanh nghiệp Quảng Đông vào Việt Nam từ 2019 – 2020 đạt gần 2 tỷ USD. Tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và Quảng Đông còn rất lớn trong thời gian tới.
Ông Tô Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông)
Trong khi đó, đại diện Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Đông – ông Trình Hữu Căn, Phó Giám đốc giới thiệu Quảng Đông là địa phương màu mỡ về đất đai, năng động trong giao thương. Năm 2022, tổng sản phẩm địa phương của tỉnh đạt gần 13 nghìn tỷ nhân dân tệ, với dân số hơn 130 triệu người, quy mô ngành sản xuất chiếm khoảng 4% toàn cầu, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào, được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những “Địa điểm tốt nhất cho môi trường đầu tư”. 
Bà Thôi Sảng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Đông cho hay với chiến lược kế hoạch “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, thúc đẩy hơn nữa Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đi vào chiều sâu. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Quảng Đông và Việt Nam đạt 315,8 tỷ nhân dân tệ, chiếm 1/5 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Quảng Đông. Các doanh nghiệp Quảng Đông cũng được hỗ trợ và khuyến khích “đầu tư ra nước ngoài” ở cấp độ cao, tham gia sâu vào việc xây dựng “Hai hành lang và một vành đai” của Việt Nam, hợp tác chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Thôi Sảng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông)
Trong buổi Hội nghị diễn ra tại Hàng Châu, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Nguyễn Thế Tùng tiếp tục nhấn mạnh về các thế mạnh của Chiết Giang, là thành phố năng động và số một của Trung Quốc về thương mại điện tử, kinh tế số, hai bên có thể khai thác tối đa các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi như kinh tế số, công nghệ ứng dụng, thương mại điện tử, logistic. 

Ông Nguyễn Thế Tùng – Tổng lãnh sự Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải
Chủ tịch Uỷ ban xúc tiến thương mại tỉnh Chiết Giang – ông Trần Kiến Trung phát biểu về tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại và hy vọng mở rộng hơn nữa giao lưu kinh tế, thương mại hai bên. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Chiết Giang và Việt Nam đạt 33 tỷ USD, tăng 15,3%, ông cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp hai nước nắm bắt hiệu quả các cơ hội mới về mở cửa thị trường do RCEP đem lại, thúc đẩy tối ưu hoá cơ cấu công nghiệp và nâng cấp công nghiệp thông qua hợp tác công nghiệp; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đổi mới, thực hiện cải cách, mở cửa và nâng cấp, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong và ngoài nước, tối ưu hoá mở cửa khu vực; xây dựng nền tảng mở cấp cao do Khu thí điểm thương mại tự do Trung Quốc (Chiết Giang) dẫn đầu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội phát triển trong lĩnh vực kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và chuỗi cung ứng hiện đại. 
Với sự đồng lòng, quyết tâm của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Việt Nam và mong muốn đẩy mạnh hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai Bên, sự phát triển ổn định và bền vững, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Việt Nam với tỉnh Chiết Giang sẽ đạt nhiều kết quả khả quan. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh Chiết Giang tại Việt Nam cũng rất sôi động và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp hai nước chắc chắn sẽ đem lại những động lực quan trọng để mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững – chia sẻ của ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc tại Hội nghị.

Ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc
Các hoạt động hội nghị đều có trên 80 doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tham dự. Ông Nguyễn Bá Hải - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương trình bày chung về tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh thích ứng với sự chuyển dịch FDI toàn cầu trong bối cảnh hoạt động thu hút đầu tư và kinh doanh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng phần nào vì đại dịch COVID-19, sự xung đột thương mại giữa các cường quốc dẫn đến đa dạng hoá các cơ sở sản xuất và tái cơ cấu đầu tư toàn cầu, cách Việt Nam chủ động cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy, thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI mới. Hiện nay đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt trên 23 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài hai chương trình Hội nghị nêu trên, nhân chuyến công tác tại các địa phương của Trung Quốc, sáng ngày 29 tháng 6, đoàn đã có buổi làm việc với Uỷ ban Xúc tiến thương mại thành phố Thượng Hải (CCPIT Thượng Hải) và gặp gỡ các nhà đầu tư Thượng Hải. Tại buổi làm việc, đại diện Cục Xúc tiến thương mại bày tỏ đánh giá cao sự phối hợp tích cực của CCPIT Thượng Hải với các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trong thời gian qua và đề nghị CCPIT Thượng Hải tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thiết thực, đặc biệt trong việc tạo điều kiện thuận lợi để Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Thượng Hải trong tháng 11 năm 2023, qua đó, mở rộng nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Buổi làm việc của Đoàn công tác với Ủy ban Xúc tiến thương mại tại Thượng Hải
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác và làm việc tại các địa phương của Trung Quốc, đoàn đã có buổi làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, tại buổi làm việc, đại diện khu công nghiệp, doanh nghiệp thể hiện mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc tìm kiếm doanh nghiệp, đối tác tiềm năng. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải ông Nguyễn Thế Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai bên và cam kết tích cực hỗ trợ, giải quyết những đề xuất của các doanh nghiệp trong hoạt động trao đổi, giới thiệu và hợp tác tới các đối tác tiềm năng. Điểm đặc biệt trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư thương mại lần này là Cục Xúc tiến thương mại đã dành một lượng thời gian đáng kể để hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc được gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thông tin và nhu cầu giữa hai bên nhằm tạo tiền đề tốt nhất trong việc xúc tiến đầu tư giữa các bên trong thời gian tới.

Sau thời gian 7 ngày công tác với nhiều chương trình, hoạt động kết nối, giao thương thiết thực tại nhiều địa phương của Trung Quốc, Đoàn công tác xúc tiến Đầu tư – Thương mại tại Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đã triển khai hiệu quả các chương trình theo kế hoạch và mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp lớn, có uy tín của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới./.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác