Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Osaka – JETRO Osaka, và các cơ quan hữu quan tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến Đầu tư – Thương mại tại Nhật Bản từ ngày 23/7 - 29/7/2023. Trong khuôn khổ chương trình, chiều ngày 27/7 tại Osaka, Hội nghị giao thương hợp tác Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã được tổ chức thành công với sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Ảnh đại biểu tham dự hội nghị
Khai mạc Hội nghị, ông Murahashi Yasuyuki, Trưởng Văn phòng Jetro tại Osaka đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp hai nước và cho rằng Hội nghị là hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong năm 2022, Jetro Osaka đã có hơn 5000 cuộc làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, gần 500 doanh nghiệp trong số này yêu cầu cung cấp thông tin về môi trường kinh doanh của Việt Nam và có nhu cầu kết nối đầu tư, thương mại với thị trường Việt Nam. Theo số liệu thống kê được ông Murahashi chia sẻ, 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.
Ông Murahashi Yasuyuki, Trưởng Văn phòng Jetro tại Osaka
phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản – ông Tạ Đức Minh cho biết: “Quan hệ hai nước không chỉ gói gọn trong hợp tác kinh tế, thương mại mà còn mở rộng và xây dựng dựa trên lòng tin, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam là một trong những quốc gia thể hiện trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Về hợp tác đầu tư, tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư với gần 2,21 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế đến 20/6/2023, tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản đạt hơn 69,9 tỷ USD. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, dịch vụ, phi chế tạo, năng lượng sạch. Về thương mại, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ năm của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11 tỷ USD, chiếm 6,7%, phục hồi 96,7% so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động thương mại hai nước đang dần phục hồi”.
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại phát biểu tại Hội nghị
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Bá Hải - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại trình bày chung về tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh thích ứng với sự chuyển dịch FDI toàn cầu trong bối cảnh hoạt động thu hút đầu tư và kinh doanh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng phần nào vì đại dịch COVID-19, sự xung đột thương mại giữa các cường quốc dẫn đến đa dạng hoá các cơ sở sản xuất và tái cơ cấu đầu tư toàn cầu, cách Việt Nam chủ động cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy, thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI mới.
Ông Nguyễn Bá Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương
phát biểu tại Hội nghị
Nhằm quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, Ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đã tư vấn 04 lĩnh vực ưu tiên được mời gọi đầu tư vào địa phương gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Hậu Giang đang triển khai nhiều chương trình, dự án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000 ha đất nông nghiệp, với các loại cây, con chủ lực như: lúa, cây ăn trái, mía đường và nuôi trồng thuỷ sản... Về ưu đãi đầu tư, với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh cam kết đồng hành và hỗ trợ mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và đầu tư vào Hậu Giang.
Ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang
phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ với các đại biểu, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tiềm năng về nông nghiệp, khoáng sản và du lịch của Lai Châu. Trong đó, quy mô lớn của chè, cao su, mắc ca, chuối, chanh leo, dứa… hứa hẹn mang lại sản lượng lớn cho tỉnh nhà, đặc biệt, đến nay đã có 158 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025. Là địa phương có nhiều khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 20 dân tộc anh em, 6 di tích cấp quốc gia, Lai Châu có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, văn hoá. Tại hội nghị, Lai Châu mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Lai Châu.
Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội nghị
“Đà Nẵng có lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường sống và sự đồng hành của chính quyền thành phố” - Bà Võ Thị Kiều Trang – Trưởng phòng Phát triển dự án, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng chia sẻ. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng về số vốn đầu tư với hơn 1,042 tỷ USD trong 228 dự án. Với quan điểm sự thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững của thành phố, Đà Nẵng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ các vấn đề về hải quan, lao động... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai những dự án đầu tư, kinh doanh thành công tại thành phố.
Bà Võ Thị Kiều Trang – Trưởng phòng Phát triển dự án, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị
Ảnh giao thương giữa doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản
Ảnh giao thương giữa doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản
Chương trình giao thương sau Hội nghị thu hút gần 68 lượt giao dịch trực tiếp giữa các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản ở đa dạng các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam đều có đối tác Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi về tiềm năng hợp tác, nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được những đề nghị tích cực từ đối tác Nhật Bản, hai bên đã trao đổi và thảo luận để tiến hành các bước tiếp theo trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Phiên giao thương đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham gia và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp hai nước lên một tầm cao mới.