Tỉnh Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và phân chia cụ thể ba vùng trọng điểm: Vùng phía Đông là vùng có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, vùng phía Tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là cây ăn trái lớn nhất tỉnh gắn liền với sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ phục vụ dọc theo trục kinh tế Quốc lộ 1, và vùng Trung tâm là vùng động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình sản xuất lúa theo quy trình "3 giảm,3 tăng", "1 phải, 5 giảm", sản xuất lúa giống chất lượng cao đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực rau màu, như: "Sản xuất rau an toàn", "Trồng rau thủy canh", "Sản xuất rau trong nhà màng", nhà lưới, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa trong khâu làm đất,… được người dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.
Để phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, thông qua các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ.Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua hội nghị tập huấn, hội thảo,xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp.