Các khu vực trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế

1 - Thành phố Huế

 

Thành phố Huế nằm ở vị trí có điều kiện thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú và diện mạo riêng tạo nên một không gian hấp dẫn, được xây dựng trong không gian phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu từ núi Ngự Bình, đồi Thiên An - Vọng Cảnh, Thành phố hội đủ các dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng, sông hồ, tạo thành một không gian cảnh quan thiên nhiên-đô thị-văn hoá lý tưởng để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch…

Định hướng thu hút đầu tư: Hai bên bờ sông Hương được quy hoạch với chiều dài 15 km từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm Cồn Hến và Cồn Dã Viên với tổng diện tích quy hoạch gần 840 ha, trong đó hai bên bờ sông Hương hơn 313 ha và diện tích mặt nước 485 ha. Các công viên Lý Tự Trọng, Tứ Tượng nằm ở bờ nam sông Hương sẽ được quy hoạch lại không gian, cây xanh. Dọc bờ sông Hương có không gian mở với các công trình biểu diễn ngoài trời, công trình thương mại, công viên, quảng trường đi bộ và điểm ngắm cảnh.

Mục tiêu đầu tư: 
•  Thiết lập điểm mốc ven sông và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế 
•  Cấu trúc các tàu du lịch và thiết lập không gian đặc biệt văn hóa du lịch theo đường thủy trên sông Hương 
•  Hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử 
• Triển khai các tính năng để thành phố Huế phát triển và trưởng thành 
• Thiết lập không gian đặc biệt ven sông nhằm củng cố sức sống cho thành phố và tăng cường cảnh quan 
• Tăng cường tính liên kết khu vực bằng hệ thống mạng lưới giao thông đường thủy 
• Cung cấp không gian giải trí và hoạt động ngoài trời đa dạng cho người dân thành phố Huế 
• Tăng cường khả năng tiếp cận ven sông và cấu trúc mạng lưới giao thông xanh liên tục 
• Thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.

2 - Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô
Với diện tích 27.108 ha, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là nằm ở trung điểm của hai trung tâm kinh tế và văn hoá của miền Trung là Thành phố Huế và Thành phố Đà Nẵng, thuộc vùng kinh tế Trọng điểm Miền Trung Việt Nam. Đây là khu vực ven biển duy nhất nằm giữa hai đô thị lớn của miền Trung Việt Nam. Cảng nước sâu Chân Mây của Khu kinh tế là cửa ngỏ ra biển Đông gần nhất trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Địa hình ở khu kinh tế gồm nhiều loại như biển, ven biển, đầm phá, đồng bằng, gò đồi và rừng núi. Vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng với độ cao 2-10m, đất đai chủ yếu là cát mịn, thuận lợi cho xây dựng công nghiệp. Vịnh Chân Mây có cửa biển rộng 7km quay về hướng Bắc, diện tích mặt nước khoảng 20km2, độ sâu từ 6-14m, vùng có độ sâu lớn hơn 10m, chiếm 40%.

Các khu chức năng chính của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Khu công nghiệp…………………..............................1.915 ha. 
Khu phi thuế quan........................................................1.080 ha. 
Khu đô thị ....................................................................2.096 ha. 
Khu du lịch ...................................................................4.250 ha.
Khu cảng ......................................................................668,5 ha. 
1. Khu công nghiệp 
Quy mô khoảng 1.915 ha, tiếp giáp với Khu phi thuế quan, nằm trên trục Quốc lộ 1A, đường ra Cảng Chân Mây. Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư trong KCN gồm: các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch như: công nghiệp phần mềm, vật liệu mới, cơ khí chính xác, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện, điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp dệt may - nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, sản xuất giày dép, đồ nhựa; các ngành công nghiệp phục vụ cảng, vận tải biển; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản phục vụ xuất khẩu.
2. Khu phi thuế quan
Là khu vực quan trọng, đóng vai trò kết nối trong hoạt động xuất nhập khẩu, gắn kết quốc tế, có quy mô 1.080 ha, gắn liền với một phần cảng nước sâu Chân Mây, liên kết với cảng Chân Mây thông qua 2 tuyến đường bộ bao gồm đường ra cảng Chân Mây và tuyến đường ven biển.
Các chức năng cơ bản của Khu phi thuế quan gồm: Khu công nghệ cao; Khu công nghiệp sạch; Khu trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, cửa hàng miễn thuế; Khu sản xuất gia công, tái chế, sửa chữa, lắp ráp, xuất nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, phân phối; Khu trung chuyển hàng hoá, kho ngoại quan.
3. Khu Đô thị Chân Mây
Với tổng diện tích: 2.096 ha, dân số Khu Đô thị Chân Mây được quy hoạch đến năm 2025 là 140.000 người. Đô thị Chân Mây là đô thị mới nằm trong “chuỗi đô thị động lực”, gắn kết với không gian đô thị Huế - Chân Mây - Đà Nẵng – Chu Lai – Dung Quất - Nhơn Hội trên tuyến hành lang Quốc lộ 1A với chức năng tổng hợp là cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, có mối quan hệ với vùng Tây Nguyên và các nước láng giềng Lào, Campuchia và Thái Lan. Chức năng cơ bản của đô thị Chân Mây được xác định:
- Là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Là đô thị du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
- Là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Khu du lịch
Lăng Cô - Cảnh Dương – Cù Dù là một trong những vùng du lịch lớn của cả nước, được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển thành một khu du lịch có quy mô và tiêu chuẩn đạt tầm cỡ quốc tế. Nơi đây hội đủ các điều kiện để phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch: nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao leo núi, sân Golf, lặn biển, thám hiểm rừng nhiệt đới... Khu Du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương - Cù Dù có quy mô khoảng 4.250 ha, các dự án tiêu biểu đang triển khai ở đây gồm: Laguna, Vicoland, Minh Viễn.

Khu cảng Chân Mây
Cảng Chân Mây với diện tích đến 2030 là 668,5 ha, trong đó, phần diện tích đất liền là 442 ha, phần diện tích mặt nước là 226,5 ha, là Cảng tổng hợp, container, có bến chuyên dùng phục vụ khách du lịch quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 3 - 5 vạn DWT, tàu khách đến 10 vạn GRT; là đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, là cửa ngõ ra biển Đông của Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (GMS).
Đô thị cảng kết nối giữa cảng và toàn Khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô và khu vực, có các chức năng: dịch vụ, du lịch, giáo dục, trung tâm hội nghị quốc tế, giải trí, thể dục thể thao.
Đến năm 2030, cảng Chân Mây có 8 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280m; 01 bến chuyên dùng xăng dầu với chiều dài 240m; 01 bến tàu cho tàu khách 100.000 GRT cập bến. Lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây đạt 10 triệu tấn, lượng hành khách qua cảng là 550 nghìn khách, trong đó khách nội địa là 300 nghìn khách, khách quốc tế là 250 nghìn khách.

DANH MỤC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC KCN, KKT CHÂN MÂY - LĂNG CÔ:
Danh muc du an trong KCN, KKT Chan May-Lang Co.docx

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác