Đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam: cần lưu ý để nắm bắt cơ hội vàng

Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng các DN đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Alpha Group, tỉ lệ lấp đầy của các KCN bình quân trong 11 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 84% so với cùng kỳ năm 2019 và vẫn sẽ giữ mức tăng trưởng trong tháng còn lại của năm. Nguyên nhân tăng trưởng của khu vực bất động sản công nghiệp là do sự dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài đang tăng mạnh trong thời gian qua. Từ năm 2019 các công ty đa quốc gia đã có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế làm giảm các chi phí đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, càng làm Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam vì thế đang có sức hút rất lớn, giá thuê mặt bằng tại các KCN trên toàn quốc đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang gấp rút triển khai đầu tư xây dựng KCN để đón làn sóng các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, EU, Mỹ… vào sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất dễ thất bại nếu không khai thác được các KCN hội tụ và đáp ứng được đầy đủ yếu tố về pháp lý hoàn thiện; vị trí chiến lược, thuận lợi trong giao thông, giao thương; cơ sở hạ tầng hoàn thiện với tiến độ và chất lượng tốt...

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xây dựng KCN cần phải có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển và vận hành KCN; có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp; tiềm lực tài chính mạnh với chiến lược kinh doanh bài bản; am hiểu môi trường đầu tư trong và ngoài nước; kết nối mạng lưới dữ liệu khách hàng và đối tác uy tín trên quy mô toàn cầu... Đặc biệt các KCN cần phải được phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo sản xuất xanh, sạch, bảo vệ được môi trường sinh thái trong khu vực.

 
Phối cảnh KCN Hòa Phú. Ảnh: bacgiang-iza.gov.vn

Theo thông tin từ Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến cuối tháng 5/2020, đã có 561 KCN bao gồm cả các KCN trong quy hoạch chung xây dựng các Khu kinh tế có trong quy hoạch được phê duyệt quy hoạch tổng thể với diện tích trên 201.000 ha. Trong đó có 259 KCN đang chuẩn bị đầu tư và sẽ đi vào hoạt động trong các năm tiếp theo, chiếm 43,1% tổng diện tích đất đầu tư mới cho KCN. Chính phủ đang đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo hướng hiện đại, công nghệ cao, sinh thái và bền vững. Chính phủ một mặt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; một mặt đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông, sân bay, cảng biển, trung tâm logistic, ngành công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu…; đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cả các nhà đầu tư KCN lẫn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước, cần phải tận dụng triệt để cơ hội hiện nay để đầu tư bền vững: vừa đón được làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới, vừa góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế theo hướng hiện đại của đất nước.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác