Thừa Thiên Huế tiềm năng và cơ hội đầu tư

Với diện tích 5.030,2 km2, dân số hơn 1.2 triệu người, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, Thừa Thiên – Huế nằm giáp tỉnh Quảng Trị về phía Bắc, biển Đông về phía Đông, thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam, tỉnh Quảng Nam về phía Nam, dãy Trường Sơn và các tỉnh Saravane và Sekong của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về phía Tây. 

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm giai đoạn 2017-2020 đạt 7,5-8% thuộc vào những tỉnh có mức tăng trưởng cao trong khu vực và cả nước, mặc dù năm 2019 và 2020 kinh tế toàn cầu và Việt Nam bị ảnh hưởng đại dịch Covid19. Cơ cấu GRDP gồm: dịch vụ, du lịch 55%; công nghiệp 37%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%. Tổng lượng xuất khẩu năm 2020 đạt trên 920 triệu USD, trong khi đó, tổng lượng nhập khẩu năm 2020 ước đạt 575 triệu USD.Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2020: ước đạt 24.400 tỷ đồng.

Giao thông thuận lợi

Nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc – Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9, Thừa Thiên – Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta. Thừa Thiên – Huế cách Hà Nội 660 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.080 km, cách thành phố Đà Nẵng 105 km, cách thành phố Nha Trang 650 km. Bờ biển của tỉnh dài 120 km, có cảng Thuận An và cảng Chân Mây với độ sâu 18 – 20m đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu với công suất lớn, có cảng hàng không Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh.

Toàn tỉnh có hơn 2.500 km đường bộ, Quốc lộ 1A chạy xuyên qua tỉnh từ Bắc xuống Nam cùng với các tuyến tỉnh lộ chạy song song và cắt ngang như tỉnh lộ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8A, 8B, 10A, 10B, 10C, 11A, 11B, 15 và các tỉnh lộ khác. Tỉnh có cảng biển là cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An.

Cảng Thuận An nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 13 km về phía đông bắc. Trong nhiều năm tỉnh đã tập trung đầu tư cho cảng Thuận An 5 cầu tầu dài 150m, có khả năng tiếp nhận tầu 1.000 tấn, được nhà nước công nhận là cảng biển quốc gia.

Cảng nước sâu Chân Mây cách thành phố Huế 49 km về phía Nam đã và đang tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 đến 50.000DWT và tàu khách du lịch quốc tế lên đến 240.000 GRT của các hãng tàu biển lớn, là một đầu mối lưu thông quan trọng mang tính cửa ngõ của tỉnh nhằm khai thác lợi thế trục giao thông Bắc - Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (nối với Lào, Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang kinh tế quan trọng này), tạo động lực phát triển kinh tế của vùng.

Tài nguyên

Thừa Thiên Huế có tổng diện tích tự nhiên là 505.399 ha, trong đó diện tích đất là 468.275 ha; hồ, ao, đầm, sông suối, núi đá là 37.124 ha. Đất đồi núi chiếm trên 3/4 tổng diện tích tự nhiên, còn đất đồng bằng duyên hải chỉ dưới 1/5 tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Phần lớn núi rừng tại Thừa Thiên Huế nằm ở phía tây. Vùng núi rừng thuộc vùng núi có độ cao từ 250m trở lên, chủ yếu phân bố ở phía Tây của tỉnh và kéo dài từ ranh giới Quảng Trị ở phía Bắc đến ranh giới tỉnh Quảng Nam về phía Nam. Tổng diện tích vùng núi rừng chiếm khoảng 308.825ha.

Đến nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã phát hiện được 120 mỏ, điểm khoáng sản với 25 loại khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, phân bố đều khắp. Trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể và có giá trị kinh tế là các khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng, ngoài ra còn có nguồn sa khoáng titan với trữ lượng dự báo hơn 7 triệu tấn. Nhóm khoáng sản phi kim và nhóm vật liệu xây dựng là các nhóm có triển vọng lớn nhất của Thừa Thiên Huế, bao gồm pyrit, phosphorit, kaolin, sét, đá ốp lát, đá vôi, đá xây dựng, cát cuội sỏi. Đặc biệt, do cấu tạo địa chất, như thân quặng đá vôi chạy từ Bắc vào Nam, đến khu vực Thừa Thiên Huế là kết thúc, tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất xi măng, mà đá vôi là nguyên liệu chính.

Đa số các khoáng sản phi kim loại này đang được khai thác, phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Ngoài ra, than bùn có trữ lượng gần 1,7 triệu tấn, tập trung chính ở khu vực Phong Điền và một số nơi như Phú Vang, Phú Lộc là nguồn tài nguyên có triển vọng phục vụ chế biến phân vi sinh.

Cùng với tiềm năng và giá trị kinh tế lớn từ nguồn sa khoáng titan, các khoáng sản nguyên liệu xi măng, vật liệu xây dựng và một số khoáng chất công nghiệp khác mang lại, cát trắng cũng đang được xem là nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị của địa phương, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền và Phú Vang với tổng tài nguyên dự báo hơn 38,78 triệu tấn. Riêng huyện Phong Điền, tiềm năng trữ lượng cát trắng chiếm khoảng 3.800 ha. Nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu là than bùn, phân bố từ Phong Điền ở phía Bắc đến Phú Lộc ở phía Nam, với các mỏ có trữ lượng lớn (khoảng 5 triệu m3), chất lượng tốt, điều kiện khai thác thuận lợi ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

DANH MỤC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ:
Danh muc keu goi dau tu Thua Thien Hue.pdf

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác