Xu hướng đầu tư sử dụng điện năng lương mặt trời của các doanh nghiệp sản xuất

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 10/2020, đã có 369 KCN được thành lập (bao gồm cả các KCN nằm trong các KKT ven biển, KKT cửa khẩu) trên 61 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 73,6 nghìn ha (chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên). Trong số đó, 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các KCN được thành lập chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.

Năm 2020 là năm khó khăn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid19. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh tốt nhất. Song song với đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế đất nước. Một trong những chính sách đó là khuyến khích các khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.

Trong năm 2020 có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp ở phía Nam lắp điện mặt trời áp mái. Sử dụng điện mặt trời các doanh nghiệp có được các lợi ích sau:
+ Một là: tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Tiền điện luôn là một khoản không nhỏ trong chi phí sản xuất của mỗi doanh nghiệp, nhất là tiền điện vào khung giờ cao điểm. Với giải pháp điện năng lượng mặt trời sẽ làm giảm bớt gánh nặng chi phí tiền điện trong sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với lượng điện dư thừa nhà đầu tư hoàn toàn có thể bán lại cho EVN và thu lời đều đặn hàng tháng.
+ Hai là: chủ động tạo nguồn điện sạch, giảm nguy cơ bị thiếu điện. Hiện nay, ngành điện của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ngày một tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tại các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Do đó, nếu để xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên thì đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất chính là các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, điện mặt trời là đáp án cho bài toán thiếu hụt nguồn điện trong sản xuất và là lựa chọn hoàn hảo của chủ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
+ Ba là: bảo vệ kết cấu mái, nâng cao chất lượng công trình. Với giải pháp năng lượng mặt trời, mái nhà xưởng tại khu công nghiệp bị bỏ trống sẽ được tận dụng và được phủ xanh bằng những tấm pin điện mặt trời. Những tấm pin này sẽ làm giảm từ 4-5 độ C giúp mái nhà xưởng doanh nghiệp được làm mát và kéo dài tuổi thọ của công trình.
+ Bốn là: Bảo vệ môi trường, tăng lợi thế cạnh tranh. Sử dụng năng lượng mặt trời là sử dụng nguồn năng lượng xanh, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác, nâng cao hình ảnh giá trị thương hiệu, góp phần tạo nên hình tốt đẹp hơn của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

 
Nguồn năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, hoàn toàn miễn phí. Sử dụng nguồn điện mặt trời doanh nghiệp sẽ được hưởng toàn bộ doanh thu từ hệ thống sau 20 năm từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền điện mỗi năm, thời gian hoàn vốn đầu tư nhanh: từ 4 - 5 năm.

Trong tháng 6 năm 2020, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP.HCM đã phối hợp cùng Tổng Công ty Điện lực TP.HCM phát động chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao giai đoạn năm 2020-2024. Các bên đặt mục tiêu sẽ đạt công suất 1.000MWp điện mặt trời áp mái với hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu đạt được mục tiêu này, sản lượng điện tiêu thụ sẽ được giảm 10-15% và giảm 23 triệu tấn khí CO2, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng đô thị. Đây là một mô hình cần nhân rộng trong hệ thống KCN, Khu công nghệ cao trong cả nước các năm tiếp theo để triển khai chủ trương phát triển sản xuất, thu hút đầu tư của Chính phủ: phát triển một cách chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác