Do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, năm 2019 và đặc biệt là chín tháng đầu năm 2020 chưa có khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may nước ta. Điều này ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển vốn đang mạnh của ngành dệt may giai đoạn các năm trước đó (2015-2019). Cụ thể, vốn FDI vào dệt may trong năm 2015 đạt 4,13 tỷ USD với 189 dự án. Năm 2016 số lượng dự án đạt kỷ lục là 234 dự án, nhưng số vốn giảm còn 2,57 tỷ USD. Sang tới năm 2017-2018, vốn FDI vào dệt may giảm xuống song vẫn đạt mỗi năm từ 1,5 tỷ đến hơn 2 tỷ USD.
Đáng lưu ý là trong dòng vốn FDI vào dệt may trong năm qua là sự vượt trội của lượng vốn vào các dự án nguyên liệu, trong đó có tới 90 dự án vào mảng dệt, tổng vốn 1,245 tỷ USD, tiếp đến là lĩnh vực nhuộm với 24 dự án, vốn đăng ký 673,3 triệu USD, 109 dự án may với 587,2 triệu USD, 45 dự án sợi với 640,4 triệu USD, 3 dự án sản xuất xơ với vốn đăng ký 1,3 triệu USD. Vốn FDI vào dệt may tăng mạnh từ năm 2015 là bởi các DN nước ngoài đã đón đầu cơ hội mang lại từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Theo dự báo của các chuyên gia, ngành dệt may có thuận lợi để tiếp tục phát triển sau khi hết dịch Covid19 nhờ các Hiệp định thương mại Việt Nam ký kết với các nước và khu vực thị trường và làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan sang Việt Nam. Do đó cả về sản xuất, xuất khẩu và đầu tư vào lĩnh vực dệt may sẽ lại tăng trong thời gian tới. Sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ ngành dệt may trong nước gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các DN trong nước gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa, từ đó được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay thị trường nội địa chỉ đáp ứng được gần 50% giá trị sản xuất của ngành dệt may, với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì có thể nâng tỷ lệ lên mức gần 70% trong thời gian tới.
Các DN dệt may trong nước đánh giá, vốn FDI chuyển dịch mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua đã giúp DN Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất, thoát khỏi cảnh làm gia công theo đơn đặt hàng. Nhưng theo số liệu thống kê thì khối DN FDI đang chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam. Mặc dù hiện nay tỷ trọng DN trong nước trong ngành dệt may làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM. Tuy nhiên, trong thời gian tới các DN dệt may Việt Nam vẫn phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh với các DN FDI.
Hiện nay khoảng 60% DN dệt may Việt Nam vẫn đang sản xuất theo hình thức CMT, tức là gia công cắt may và đóng gói đơn giản; chỉ có khoảng 30% là làm theo hình thức FOB; 5% là OBM có thể tự thiết kế, tự chủ. Đối với hình thức CMT, lợi nhuận thuần chỉ đạt khoảng 1-3% doanh thu, FOB đạt 3-5% và OBM là 5-7%. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mặc dù dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng các DN trong nước đạt lợi nhuận tương đối thấp. Với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dệt may trong nước cần nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm, chấp nhận đầu tư để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Đại dịch Covid19 tuy làm giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các DN Việt Nam có thể tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc doanh nghiệp, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng nhất là khâu đầu và khâu cuối, tức là khâu thiết kế và khâu marketing.
Khu công nghiệp Phú Bài tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn IV
Dự báo ngành dệt may còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút đầu tư ít nhất đến năm 2035 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 200 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đạt cao; trong đó, sợi đạt 80%, xơ polyeste 60-65%, vải dệt thoi 50-57%... Sự dịch chuyển dòng vốn trong lĩnh vực dệt may sẽ rất nhanh và không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mà còn đến từ các nước châu Âu như Ý, Đức, Nga… nhất là khi EVFTA vừa có hiệu lực, đặc biệt sau khi đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu.
Việc cần làm hiện nay là sớm hoạch định Chiến lược Dệt May Việt Nam đến năm 2040, quy hoạch khu công nghiệp dệt may chuẩn mực về xử lý chất thải, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, tạo nền tảng chính sách ổn định, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư manh mún, cạnh tranh lao động không lành mạnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc dự báo và quy hoạch phát triển khi đã sớm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi, da giày tại một khu công nghiệp (KCN) chuyên dệt may để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may trong nước cũng cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất, chủ động nắm bắt, hiểu rõ những quy định của các Hiệp định CPTPP và EVFTA để có thể tận dụng tối đa những lợi ích từ các hiệp định này tăng cường xuất khẩu vào các thị trường lớn được ưu đãi thuế quan.