Tiềm năng thu hút đầu tư của Cần Thơ

Với vị trí vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, mức GRDP tăng bình quân 7.53%, Cần Thơ vừa là đầu tàu kinh tế, vừa đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng, là trung tâm thương mại - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực - khoa học công nghệ và trung tâm y tế của vùng. Bên cạnh đó, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, có nguồn nguyên liệu lúa gạo, trái cây, thủy sản... dồi dào, tiềm năng đa dạng. Đây chính là lợi thế nổi trội của Thành phố trong thu hút đầu tư. 
Với định hướng của Trung ương phát triển Cần Thơ thành trung tâm động lực, kết nối, tạo sức lan tỏa phát triển cho cả Vùng ĐBSCL, đồng thời tạo cú hích đánh thức tiềm năng đầu tư của vùng, nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn đã được triển khai như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn… Các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ và các tỉnh trong Vùng ĐBSCL. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ đảm bảo kết nối thông suốt tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL và cả nước.
Về đường sắt, trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã định hướng đầu tư dự án phát triển tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo lộ trình dự kiến sau năm 2020. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã phối hợp với các địa phương lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này.
Về hàng không, các đường bay quốc nội kết nối Cần Thơ với các thành phố lớn trong cả nước không ngừng được mở rộng. Bên cạnh đó, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã tăng cường khai thác nhiều đường bay quốc tế đi Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan). Dự kiến, đường bay Cần Thơ - Nhật Bản cũng sẽ được khai trương trong thời gian tới. Đây là các đối tác tiềm năng trong thu hút đầu tư và giao thương quan trọng của Vùng ĐBSCL.
Về hàng hải, khu bến Hoàng Diệu và Cái Cui thuộc Cụm cảng trung tâm Cần Thơ đã hoàn thành nâng cấp, cơ bản đáp ứng cho tàu 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải cập bến. Dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và thông luồng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Trong số 439 dự án đầu tư đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ có: 103 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn đăng ký đạt 115.028 tỷ đồng; 85 dự án FDI với số vốn đăng ký 752,4 triệu USD; 251 dự án trong khu công nghiệp với số vốn đăng ký 1,766 tỷ USD. Tuy nhiên, với vị thế là trung tâm động lực của vùng kinh tế ĐBSCL, số dự án lẫn quy mô nguồn vốn đầu tư của Cần Thơ như vậy vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy Cần Thơ đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. 
Thành phố ưu tiên xúc tiến đầu tư các ngành, lĩnh vực gồm: công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; bảo quản sau thu hoạch; đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn, các sản phẩm du lịch sinh thái; công nghệ thông tin, điện tử; phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp, logistics...
Các đối tác tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hoa Kỳ và Châu Âu. Thành phố Cần Thơ được các nhà đầu tư đánh giá cao với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào; có tiềm năng phát triển thành một trung tâm về nông nghiệp, công nghiệp nhẹ của Đông Nam Á.

201222. Danh muc DA keu goi dau tu vao Can Tho 27.xlsx

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác