Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU có hiệu lực chính thức vào ngày 01/8/2020. Sau hơn một năm thực thi EVFTA, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được những kết quả tích cực, bất chấp nhiều khó khăn và trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra.
(Ảnh minh họa).
Tính đến tháng 9 năm 2021, Việt Nam thu hút được 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.
Hà Lan là nước đứng đầu về số dự án đầu tư tại Việt Nam với 382 dự án và 10,36 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam; Pháp đứng thứ hai với 632 dự án và 3,62 tỷ USD, chiếm 16,25% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam; Đức đứng thứ ba với 405 dự án và 2,25 tỷ USD, chiếm 10,13% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.
Một số tập đoàn lớn ở EU đang hoạt động tại Việt Nam như Total Elf Fina (Pháp - Bỉ), Shell Group (Hà Lan), Daimler Chrysler (Đức), … Xu thế đầu tư của các nước EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ, lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… Dự báo dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao.
Theo ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam chia sẻ: “EVFTA có khả năng thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, điều cấp thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường, bảo hộ đầu tư, tiêu chuẩn lao động và sở hữu trí tuệ.
Trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để hợp lý hóa các thủ tục hành chính, đầu tư vào quản trị công và năng lực cạnh tranh của người lao động, hoàn thiện các quy định pháp luật để hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.”