Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, hiện danh mục đầu tư của SCIC gồm 149 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước gần 39.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD) nên công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị danh mục được quan tâm đặc biệt.
Mùa đại hội đồng cổ đông 2021 đã đi qua. Giới đầu tư và cổ đông của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang trông chờ vào những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy hiệu quả hoạt động cao hơn.
Bình mới, rượu mới
"Chỉ khi doanh nghiệp có vốn nhà nước có sự thay đổi về quản trị, nhân sự, mới kỳ vọng về việc nâng cao hiệu quả hoạt động", đó là nhận xét được nhiều chuyên gia chia sẻ khi đề cập đến vấn đề quản trị vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, đặc biệt trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
Với bộ máy công ty liên kết và công ty con rất lớn ở nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước sau cổ phần hóa, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần thúc đẩy hội đồng quản trị khẩn trương thực hiện cấu trúc lại các khoản đầu tư ra ngoài, thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống quản lý, quản trị các công ty trực thuộc, giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Cấu trúc lại toàn bộ hệ thống quản trị, hệ thống quy định, quy trình, con người từ hội đồng quản trị, ban điều hành, lãnh đạo các đơn vị, người đại diện vốn.
Trên thực tế đây là những phần việc quan trọng mà các cơ quan đại diện vốn nhà nước cần trao đổi, thống nhất và triển khai, công bố minh bạch trong mùa đại hội đồng cổ đông.
Với nhiều năm tham gia quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia kinh tế nhận xét: "Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng".
Cụ thể, quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.
Trái lại, ở các doanh nghiệp được quản trị vốn chuyên nghiệp có một sự khác biệt khá rõ nét.
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, hiện danh mục đầu tư của SCIC gồm 149 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước gần 39.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD) nên công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị danh mục được quan tâm đặc biệt.
Ngay sau khi tiếp nhận, đặc biệt đối với những tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn có vốn chi phối và tình hình tài chính phức tạp, với vai trò cổ đông nhà nước, SCIC đã kiện toàn hệ thống người đại diện tại doanh nghiệp, triển khai thực hiện các biện pháp quản trị doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến. Bên cạnh đó, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; làm gia tăng giá trị thu về cho Nhà nước khi triển khai bán vốn.
Vào các dịp đại hội đồng cổ đông, ngay từ đầu năm, SCIC đã phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp cho ý kiến về nội dung liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm, nếu là năm đầu nhiệm kỳ việc này được làm rất kỹ. Công tác tái cơ cấu nhiệm kỳ bao gồm cả phương án nhân sự nhiệm kỳ mới được làm sâu sắc, thực chất để tìm được những người phù hợp với doanh nghiệp.
"Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được làm thường xuyên liên tục, chứ không đợi đến kỳ đại hội đồng cổ đông mới được đem ra mổ xẻ, quyết định", lãnh đạo SCIC cho biết.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), ngay sau khi tiếp nhận bàn giao vốn, SCIC đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị VnSteel phê duyệt những điều chỉnh, bổ sung cần thiết làm cơ sở cho Tổng công ty triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, trong đó dành nguồn lực xử lý các vướng mắc, tồn tại và thực hiện tái cơ cấu tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM). Kế hoạch hoạt động Công ty mẹ và các đơn vị thành viên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, linh hoạt và chủ động tận dụng được các cơ hội trên thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Kết quả, năm 2020, VnSteel đạt doanh thu và lợi nhuận hợp nhất là 30.000 tỷ đồng và 260 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch doanh thu năm và vượt 147% chỉ tiêu lãi trước thuế năm 2020. 29/30 đơn vị thành viên có lãi
Quý I năm nay, VnSteel ước đạt 8.680 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 28,46% kế hoạch năm, còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 245 tỷ đồng, bằng 94,23% kế hoạch năm.
Từ thực tế đã trải qua, chuyên gia Ngô Văn Tuyển cho rằng, các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động hiệu quả thường có 3 điểm khá khác biệt với những doanh nghiệp còn lại. Đó là, mục tiêu của doanh nghiệp rất rõ ràng, quản lý theo mục tiêu chứ không theo quy trình.
Thứ hai, các cơ quan chủ quản với tư cách cổ đông thường không can thiệp vào quyết định của hội đồng quản trị mà thực hiện theo các thông lệ điều hành doanh nghiệp hiện đại trên thế giới.
Thứ ba là nhân sự do cơ quan chủ sở hữu vốn đề cử, giới thiệu không phụ thuộc vào chủ quan của người có quyền mà chọn người đúng cho doanh nghiệp.
Việc phối hợp chia sẻ giữa các cổ đông, đặc biệt cổ đông lớn của doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Lê Song Lai cho biết, trước khi ra đại hội, SCIC thường tham gia cho ý kiến rất kỹ về các vấn đề liên quan đến các kế hoạch kinh doanh phân phối lợi nhuận, nhân sự HĐQT, BKS, mô hình tổ chức nhân sự trong doanh nghiệp… "Doanh nghiệp muốn phát triển ổn định, cần sự phối hợp, chia sẻ giữa các cổ đông. SCIC có thể gặp song phương, đa phương với các cổ đông của doanh nghiệp để trao đổi về kế hoạch kinh doanh, lựa chọn nhân sự…".
Ông Lai cho biết thêm, với vai trò cổ đông lớn, SCIC đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong dịch Covid 19 như gửi văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn đảm bảo nguồn lực cho sản xuất; rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh. SCIC đã có văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các giải pháp chính sách tín dụng; điều chỉnh lộ trình thời gian tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, tiền thuê đất... ưu đãi thuế cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tăng giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng; tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý; hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; làm việc với ngân hàng thương mại để có giải pháp giãn tiến độ trả nợ...
"Điều cần thiết là sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thay đổi mạnh mẽ về quản trị, để bắt nhịp ngay với thị trường khi tình hình dịch bệnh cải thiện. Chúng tôi đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại diện rằng, chúng ta sẽ chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn", ông Lai chia sẻ về nguyên tắc hoạt động có được sự đồng thuận cao ở nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Tổng công ty và các cổ đông lớn của doanh nghiệp, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
Cần thúc đẩy tính hiệu quả
Nhờ áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp thông qua vai trò cổ đông nhà nước, đa số các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn nhà nước đã tiếp nhận từ khi thành lập, đến nay chỉ có 24 doanh nghiệp nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ (chiếm 3%); tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong toàn danh mục đạt gần 20%, đặc biệt có một số doanh nghiệp ROE bình quân cao trên 30% như: Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Đá An Giang (68%), CTCP Sữa Việt Nam (35%), CTCP Tư vấn Đầu tư và Đầu tư Việt Nam (35%), CTCP Viễn thông FPT (31%)....Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 38.000 tỷ đồng.
Số lượng các doanh nghiệp yếu kém, thuộc diện giám sát đặc biệt theo xếp loại của SCIC trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, năm 2015 có 49 doanh nghiệp, đến cuối năm 2020 còn 24 doanh nghiệp.
Qua quá trình kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước nhận xét, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần thông qua hoạt động cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, củng cố lòng tin về phát triển kinh tế thị trường.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là "bình mới, rượu cũ", thiếu đột phá: tại một số đơn vị trực thuộc vẫn theo tư duy cũ, nặng tính bao cấp, hành chính; Quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.
Thực tế này đòi hỏi phải thúc đẩy tính thị trường trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong Công ty cổ phần.
Còn TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, "Doanh nghiệp đặt mục tiêu thì mục tiêu phải phản ánh tính thị trường rõ ràng. Nếu không đạt được thì thế nào, ai chịu trách nhiệm?". Với câu hỏi đó thì rất cần thúc đẩy quá trình quản lý vốn nhà nước ở những đầu mối năng động và có tính thị trường.
Dù vậy, tính đến ngày 31/12/2020, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn 7 doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC với tổng vốn nhà nước là 953 tỷ đồng.