Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm 2021

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Nhờ những chính sách thu hút đầu tư, những năm gần đây, công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi được đổi mới theo hướng tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư được đẩy mạnh theo hướng thiết thực và hiệu quả.

  Trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch covid -2019 trong việc thu hút đầu tư với các khó khăn chung, nhưng các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 10 dự án DDI mới và 02 lượt tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 5.015,41 tỷ đồng (cấp mới: 4.848,51 tỷ đồng, tăng vốn: 166,9 tỷ đồng), đạt 699% về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 (do thu hút thêm 03 dự án đầu tư hạ tầng KCN) và đạt 108% về vốn đầu tư đăng ký so với kế hoạch năm 2021; thu hút 24 dự án FDI mới và 19 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 928,99 triệu USD (cấp mới: 840,91 triệu USD, tăng vốn: 88,08 triệu USD), đạt 405% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 99 % so với kế hoạch năm 2021. Đến nay, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN của tính Vĩnh Phúc còn hiệu lực đạt 404 dự án, gồm 75 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.428,61 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.378,43 triệu USD. 

Tính trên cả nước, cụ thể, có 1.212 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 37,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ); 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ); 2.830 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 45,3%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD (giảm 43,8% so với cùng kỳ). Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như GVMCP không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD và trên 750 triệu USD.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác