Bước ngoặt mùa đại hội cổ đông

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay chứng kiến sự đổi mới và thoát ra khỏi vùng an toàn của nhiều doanh nghiệp trong danh mục doanh nghiệp do SCIC quản lý. Đi ngược thời khó, họ đã gặt hái kết quả khá tích cực



VnSteel có bước nhảy vọt về hiệu quả hoạt động Lấy lại phong độ

Đại hội đồng cổ đông của CTCP GTN Foods (GTN) và Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam (Vilico) tỏa sức nóng hầm hập khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đứng sau thương vụ hợp nhất GTN vào Vilico và công bố tham vọng trở thành ông lớn trong ngành chăn nuôi với mảng bò thịt.

Thị trường này theo đánh giá của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, rất tiềm năng. Nhìn một cách dài hạn, Vinamilk sẽ sở hữu chi phối Vilico, bởi vậy kết quả kinh doanh của Vilico sẽ hợp nhất vào Vinamilk và đây chính là mảng hoạt động mới của Vinamilk nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao và hiệu quả.

Biên lợi nhuận gộp của mảng chăn nuôi ở những công ty dẫn đầu thị trường có thể đạt tới 50%, dung lượng thị trường lớn khi trong nước chưa có doanh nghiệp nào ghi dấu ấn ở mảng bò thịt (lợn thịt đã có). Bởi thế bài tính của Vinamilk được đánh giá tiềm năng.

Để có thể triển khai các thương vụ M&A như vậy, Vinamilk phải được sự đồng thuận và ủng hộ của các cổ đông lớn, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tầm nhìn dài hạn và đề cao lợi ích của doanh nghiệp, cũng như lợi ích của các cổ đông chính là nguyên tắc để SCIC ủng hộ các hoạt động và dự án đầu tư có triển vọng của Vinamilk, theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC chia sẻ với báo giới. Trước đó SCIC đã ủng hộ Vinamilk có nhiều hoạt động đầu tư như đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, các thương vụ M&A để mở rộng quy mô hoạt động và không gian tăng trưởng trên cả thị trường trong nước và quốc tế với tổng giá trị đầu tư cho các hoạt động trên trong 3 năm vừa qua là 3.985 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Traphaco (TRA) diễn ra cuối tháng 3 cũng được chú ý, đặc biệt trong công tác nhân sự và định hướng chiến lược mới. Đại diện của nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc trong HĐQT Traphaco đã nắm ghế Chủ tịch sau khi bà Vũ Thị Thuận, người có nhiều năm gắn bó và xây dựng nền tảng phát triển quan trọng cho Traphaco không tham gia HĐQT nhiệm kỳ này để nghỉ theo chế độ.

SCIC có 3 người đại diện vốn tại doanh nghiệp tham gia HĐQT Traphaco giai đoạn 2021-2025. Đây đều là những nhân sự được lựa chọn kỹ, có kinh nghiệm và chuyên môn cao, trong đó SCIC chọn cả người từ doanh nghiệp để cử đại diện vốn.

Điểm nổi bật của Traphaco tới đây là định hướng công ty sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2025 bằng cách duy trì vị thế ngành đông dược và tập trung phát triển mảng tân dược. Năm 2021, Tập đoàn Daewoong (Hàn Quốc) sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ hàng chục sản phẩm tân dược cho Traphaco, dự kiến chuyển giao 70 sản phẩm trong 5 năm 2021-2025. Các nhóm tân dược tập đoàn này có thế mạnh thuộc các ngành hàng thuốc tim mạch, tiểu đường và tiêu hóa.

Việc thúc đẩy mạnh mẽ mảng tân dược và kênh bán hàng ETC bên cạnh duy trì vị thế trên kênh OTC được đánh giá là bước chuyển hướng thông minh của Traphaco khi tăng trưởng kênh OTC trên thị trường đang có xu hướng bão hòa và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với kênh ETC.

Ở Traphaco, SCIC và các nhóm cổ đông lớn khác đã đạt được nhiều thống nhất để thúc đẩy và ủng hộ các định hướng chiến lược của công ty nhằm duy trì đà tăng trưởng cao, từ đó các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước, sẽ được tối đa hóa quyền lợi.

Cụ thể, năm 2021, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020. Trước đó, năm 2020 Traphaco đã đạt 1.909 tỷ đồng doanh thu và 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12% và 27% so với năm 2019.

Tạo ra động lực và có các giải pháp, cách làm mới, ngay trong quý I/2021, doanh thu và lợi nhuận của Traphaco đã tăng 20% và 33% so với cùng kỳ năm trước.

Song ấn tượng hơn cả là cú bứt phá của Tổng công ty Thép - CTCP (VnSteel), doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao vốn từ tháng 4/2019. Trong quý I/2021, tổng doanh thu hợp nhất của VnSteel đạt 8.680 tỷ đồng, đạt 28,46% kế hoạch năm, còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 245 tỷ đồng, đạt 94,23%, tức là gần hoàn thành kế hoạch năm.

Ở doanh nghiệp này, SCIC tập trung chỉ đạo người đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị, Ban điều hành VnSteel triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Đến nay, SCIC đã cử 2 cán bộ tham gia Hội đồng quản trị VnSteel, 1 cán bộ tham gia Ban kiểm soát.

Sau khi rà soát tổng thể các mặt hoạt động, tập trung vào đề án tái cơ cấu VnSteel, SCIC đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị VnSteel phê duyệt những điều chỉnh, bổ sung cần thiết làm cơ sở cho tổng công ty triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, trong đó dành nguồn lực xử lý các vướng mắc, tồn tại và thực hiện tái cơ cấu tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM). Kế hoạch hoạt động công ty mẹ và các đơn vị thành viên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, linh hoạt và chủ động tận dụng được các cơ hội trên thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Điểm chung của những doanh nghiệp trên là đã bứt ra khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến nguy thành cơ, không chỉ cố gắng đảm bảo tính an sinh xã hội mà vẫn đầu tư phát triển. Điều này cho thấy độ chủ động của doanh nghiệp rất cao, không những duy trì sản xuất kinh doanh mà còn thúc đẩy các hoạt động đầu tư, bám sát thị trường, đón đầu để xoay chuyển tình thế khi có cơ hội.

Sức sống mạnh mẽ từ những doanh nghiệp như vậy được thúc đẩy bởi các hội đồng quản trị năng động của doanh nghiệp, trong đó có nhiều người đại diện vốn của SCIC và định hướng chỉ đạo người đại diện vốn của SCIC.

Chuẩn bị kỹ cho mùa đại hội cổ đông

Từ cuối tháng 3 đã có những doanh nghiệp trong danh mục quản lý vốn của SCIC tổ chức đại hội đồng cổ đông như Traphaco, còn nửa cuối tháng 4 là mùa cao điểm đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp.

Năm 2021, hoạt động này được SCIC tiếp tục quan tâm và dành nhiều tâm sức đặc biệt bởi thường gắn với nhiệm kỳ HĐQT mới cũng như kế hoạch phát triển dài hạn hơn của doanh nghiệp.

Ngay từ đầu năm, SCIC đã có văn bản chỉ đạo người đại diện vốn, gửi HĐQT VnSteel đề nghị thực hiện một số nội dung cho ĐHCĐ, hướng dẫn người đại diện chuẩn bị một số nội dung của ĐHCĐ năm 2021. SCIC cũng đã có văn bản chỉ đạo người đại diện chi tiết hơn về các nội dung liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ, công tác tái cơ cấu nhiệm kỳ bao gồm cả phương án nhân sự nhiệm kỳ mới, nghiên cứu rà soát quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (có hiệu lực từ 1/1/2021) để xây dựng, sửa đổi, cập nhật các Quy chế nội bộ của doanh nghiệp.

Không chỉ ở công ty mẹ, VnSteel còn có khoản đầu tư tại trên 30 doanh nghiệp khác, việc chuẩn bị ĐHCĐ của Công ty mẹ và công ty có vốn của Công ty mẹ cũng phải thực hiện song song và trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, tập trung cao điểm vào tháng 3, tháng 4, đòi hỏi xử lý công việc phải rất kịp thời mới đáp ứng nhu cầu quản trị vốn thông suốt.

Tương tự VnSteel, để chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Tập đoàn dệt may Vinatex, SCIC đã chỉ đạo người đại diện vốn phối hợp với HĐQT Vinatex khẩn trương triển khai nhiều nội dung cho đại hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới toàn thế giới, đồng thời giao thương quốc tế còn khó khăn, chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và định hướng tiếp theo của ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng. Năm 2020, Vinatex một mặt đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30.000 lao động trong hệ thống, một mặt vẫn nỗ lực đạt 146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Với tư cách một cổ đông lớn, lãnh đạo SCIC cho biết, Tổng công ty luôn đồng hành và hỗ trợ Vinatex phát huy tinh thần sáng tạo, hiệu quả trong công tác chỉ đạo vận hành hoạt động của Vinatex với mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của tập đoàn, từ đó gia tăng tối đa lợi ích cho cổ đông, trong đó có cổ đông SCIC.

Giàu kinh nghiệm quản trị về tài chính, thường xuyên cập nhật, nắm bắt bối cảnh và xu hướng kinh tế vĩ mô, cũng như các kiến thức thông tin chuyên sâu của ngành, SCIC đang thể hiện rõ vai trò bạn đồng hành và cổ đông năng động của các doanh nghiệp trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.

Tăng trách nhiệm và năng lực của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong các công ty cổ phần cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị nhằm gia tăng việc quản lý vốn nhà nước hiệu quả

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác