Các nhà đầu tư nước ngoài cần những thông tin gì để quyết định đầu tư?

Năm 2019 và 2020 mặc dù tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách mạnh mẽ. Theo thống kê và phân tích của các chuyên gia, chiến lược lâu dài của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn vốn ngoại, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển của các dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia đối với các đoàn doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sang khảo sát, nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, thì các nhà đầu tư nước ngoài có những mối quan tâm chung sau đây để quyết định đầu tư:
Một là các thông tin minh bạch về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu, danh mục và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các nước và khu vực.
Hai là các chi phí liên quan đến đầu tư vào khu công nghiệp như: cơ sở hạ tầng, mức độ thuận tiện cho sản xuất và lưu thông, chi phí giá thuê nhà xưởng, giá thuê văn phòng, giá thuê đất, giá nước sạch, giá điện, chi phí nhân công, mức phí bảo hiểm (bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xây dựng,…), chi phí bảo vệ môi trường, các thông tin về thời tiết, động đất, lũ lụt…
Ba là các thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư; các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc sau cấp giấy chứng nhận đầu tư để giúp các dự án triển khai hiệu quả và bền vững.
Bốn là các thông tin liên quan đến nguồn lao động, lao động tay nghề, lao động chất lượng cao tuyển dụng nhân lực làm việc. 
Năm là mức độ sẵn sàng của nguồn nguyên liệu đầu vào, công nghiệp hỗ trợ, logistic…
Sáu là hệ thống tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư. Chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động FDI; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để thu hút được dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần phải có sự nỗ lực và phối hợp triển khai đồng bộ giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, sẽ có những bài viết riêng, chuyên sâu đề xuất giải pháp thu hút FDI của các cơ quan quản lý nhà nước, của các hiệp hội-các tổ chức xúc tiến và của các doanh nghiệp. Ở đây chỉ nêu ra một số nội dung chung, cần làm ngay để đón làn sóng FDI hậu Covid19 vào Việt Nam:
Một là, định hướng rõ nét thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo việc thực thi chính sách ưu đãi trên thực tế. Đa dạng hóa mô hình hợp tác, đầu tư có hiệu quả, nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Hai là, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý về đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế. Hỗ trợ các nhà đầu tư trong và sau quá trình thành lập công ty. Cần nghiên cứu đưa ra thêm nhiều chế độ ưu đãi hơn nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ để tạo vị trí cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ba là, cho phép địa phương được chủ động trong việc ban hành hoặc đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện địa hình, nhu cầu của địa phương đó. Giúp địa phương tự chủ động thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn là, tổng hợp các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động xúc tiến thêm hiệu quả.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác