Hướng tới xây dựng TP Cần Thơ là hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” Cần Thơ đã có những bước phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2019,tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, hàng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước.

Năm 2019,tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2019 đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Năm 2009 được Chính phủ công nhận là đô thị loại I, hướng tới mục tiêu là đô thị hạt nhân của vùng;kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện,kết nối mạng lưới đô thị vùng, thể hiện vai trò đầu mối về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Hiện TP Cần Thơ có 246 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 1,7tỷ USD; 103 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng;khoảng 10.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký bình quân khoảng 11.000 tỷ đồng/doanh nghiệp; có 36/36 xã và 2/4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hệ thống giáo dục, quy mô trường lớp phát triển khá nhanh và tương đối hoàn thiện từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đào tạo đại học,cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 71,21%. Hệ thống đào tạo nghề cũng đang dần khẳng định vai trò trung tâm đào tạo của vùng. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường đại học (tăng 2 so với năm 2005), 2 phân hiệu trường đại học và 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Đây là chính là nền tảng để TP Cần Thơ định hướng phát triển trong thời gian tới.

Có nhiều ý kiến cho rắng, nếu Cần Thơ phát triển theo 4 thành phố trực thuộc Trung ương như dựa trên kinh tế đô thị, hoặc phát triển công nghiệp thì với tình hình hiện nay Cần Thơ rất khó trở thành đầu tàu kinh tế của vùng. Lợi thế so sánh của Cần Thơ chính là phát triển hệ thống phát triển dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp gắn với mở rộng chuỗi dịch vụ logistics liên vùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng Cần Thơ nghiên cứu thực hiện những vấn đề mà các tỉnh trong vùng chưa có, chưa làm được chẳng hạn như việc đột phá nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ,trung tâm đào tạo kỹ thuật công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cho nông dân, hay thực hiện được trung tâm chế biến nông sản, cung cấp các vật tư, máy móc thiết bị cho nông nghiệp. Các đại biểu cũng nhận định, phát triển kinh tế của Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL; đóng góp trong GRDP của vùng còn nhỏ; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020...

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã từng nhấn mạnh: Việc xây dựng Cần Thơ là hạt nhân trung tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cả vùng ĐBSCL đặt trong tổng thể sự phát triển cả vùng. Đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý, Cần Thơ cần thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, lựa chọn ngành, lĩnh vực phù hợp để Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao; trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, cùng với tận dụng về nguồn lực đất đai và con người trong lĩnh vực nông nghiệp để Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp hiện đại theo xu hướng phát triển chung của cả nước vào năm 2030.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác