Trong đó, có 63 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án này đã và đang góp phần đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Long đứng thứ 40/64 địa phương trong cả nước và 7/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tập trung vào lĩnh vực sản xuất da giày, chế biến thực phẩm, linh kiện. Với việc đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến được thông xe tới đây, Vĩnh Long sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để khai phá các tiềm năng về phát triển kinh tế- xã hội…
Được biết, Vĩnh Long hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, môi trường kinh doanh ổn định, điều kiện tự nhiên thuận lợi,diện tích cây ăn trái lớn thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước;có tiềm năng du lịch trải nghiệm, miệt vườn. Trong giai đoạn 2019- 2020, tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư 6 dự án thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Đồng thời, với các lợi thế về vị trí địa lý,hạ tầng và nguồn nhân lực, Vĩnh Long sẽ phải dựa trên 3 đột phá chính là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp điện tử và du lịch sinh thái, miệt vườn lịch sử cách mạng. Tỉnh Vĩnh Long cũng hiện có trên chục dự án đầu tư trọng điểm, nằm trong danh mục hàng chục dự án mời gọi đầu tư với tổng số vốn gần 19 nghìn tỷ đồng.
Các dự án tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu cụm công nghiệp, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa du lịch. Trong đó,có một số dự án mang tính động lực phát triển kinh tế xã hội cao như dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm khu công nghiệp tại các huyện Bình Tân, Măng Thít và thị xã Bình Minh; các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Vĩnh Long, Vũng Liêm, Long Hồ và Măng Thít; các dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các khu thương mại dịch vụ tại thành phố Vĩnh Long và huyện Bình Tân...
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, khuyến khích hình thành và hoàn thiện mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với ngành chế biến nông sản (lúa gạo, trái cây, khoai lang…), chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, tăng tỷ trọng sản phẩm làm sẵn, ăn liền để có thể tham gia vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại.
Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp ngành dệt may-da giày đổi mới thiết bị, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất của ngành.Khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất, dược phẩm mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển nhiên liệu sinh học trên địa bàn tỉnh (cụm công nghiệp Tân Bình), tạo điều kiện phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời (cụm công nghiệp ở Vũng Liêm) kết hợp phát triển du lịch sinh thái vùng cây ăn trái miệt vườn, xây dựng các mô hình thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời ở các tổ chức, hộ gia đình… từ đó từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Việc tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp nói trên sẽ tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định, các nhà đầu tư đến Vĩnh Long, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, được hỗ trợ bằng các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai thực hiện. Trong đó, nhà đầu tư sẽ được các cơ quan chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin, số liệu cần thiết khác theo yêu cầu trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương./
Nguồn: dangcongsan.vn