Một trong các vấn đề được đề cập đầu tiên đó là thủ tục xin hay gia hạn giấy phép lao động, gia hạn cho người nước ngoài ở Việt Nam, việc hỗ trợ thực hiện thủ tục từ phía chính quyền TP chưa đạt kỳ vọng về thời gian và còn phức tạp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Alain Cany, chủ tịch Eurocham chia sẻ về quá trình gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài của cá nhân ông là khá khó khăn cho mỗi lần thực hiện gia hạn, thậm chí ông đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM đến nay đã hơn 20 năm.
Ví dụ về một trong những khó khăn được ông Alain Cany thẳng thắn chia sẻ như sau, lần gần nhất đi gia hạn giấy phép lao động với tư cách là cố vấn cho doanh nghiệp mình từng làm giám đốc điều hành, nhưng cơ quan cấp phép cho rằng ông không có chuyên môn làm tư vấn này và đứng trước nguy cơ bị từ chối. Ông cho rằng: “Nếu một người gắn bó với Việt Nam như tôi không xin được giấy phép thì không biết những trường hợp khác sẽ khó khăn chừng nào?”.
Một ví dụ khác là việc thực hiện cấp giấy phép mới cho lao động nước ngoài đối với diện chuyên gia là khá phức tạp, mất rất nhiều thời gian và gây bất an với nhà đầu tư, trong trường hợp này là đối với một doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM nhằm mục đích chuyển đổi từ mô hình công ty một thành viên thành công ty cổ phần, theo chia sẻ từ ông Seck Yee Chung, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.
Trong khi phương án đơn giản hơn là cập nhật thông tin thay vì buộc người lao động xin cấp giấy phép mới, làm lại thủ tục mới hoàn toàn. Do đó, ông Seck Yee Chung đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nhanh hơn các thủ tục hành chính, đừng ngâm quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để môi trường đầu tư thuận lợi, yếu tố quan trọng nhất là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và sắp xếp hợp lý, theo ông James Ollen, giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại TP.HCM. Doanh nghiệp thực sự an tâm nếu các thủ tục đầu tư, giấy phép kinh doanh được xử lý nhanh chóng, việc sử dụng chính phủ điện tử một cách nhất quán, điều này mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư mới.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, người đứng đầu chính quyền thành phố cam kết và yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp, đồng thời khẳng định TP.HCM đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, làm rõ trách nhiệm hành chính của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng công chức.
Ngoài ra, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, hiện nay TP cũng đang đề xuất một số cơ chế, như mô hình PPP. Bên cạnh đó, Quốc hội đã và sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố, và nếu được thông qua, thành phố sẽ đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả hệ thống metro. Đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền cho thành phố chủ động hơn trong việc giải quyết các thủ tục.
Để tổng kết, ông Mãi thông tin đến các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên của thành phố liên quan đến đầu tư hạ tầng, đặc biệt là kết nối giao thông, trong đó, kinh phí ngân sách đầu tư các dự án giao thông sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng ngân sách đầu tư chung, riêng trong năm 2023 tỉ lệ này chiếm đến 70%. Các ý kiến đóng góp để cải thiện môi trường đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được TP tiếp thu và triển khai trong thời gian tới.