Gia Lai - Điểm thu hút đầu tư mới và tiềm năng

Dự án lớn được doanh nghiệp đối tác hai nước ký kết nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Tỉnh

Tháng 5/2022, Tập đoàn Hoàng Gia De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 1.030 tỷ đồng. Hoạt động này không chỉ đúng dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thu hút đầu tư của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên này.

Một trong những tiêu chí để Gia Lai là điểm đến của dự án Tổ hợp trên, đến từ việc địa phương này có khí hậu ôn hòa, và vùng đồng cỏ rộng lớn, rất thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn. “Với Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết.

Đặc biệt hơn, không chỉ dừng lại ở Tổ hợp này, rất nhiều dự án lớn khác, trị giá ngàn tỷ đồng đã và đang đăng ký đầu tư vào Gia Lai. Trong những năm qua, Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Việc bùng nổ các dự án đầu tư đến từ dòng vốn khổng lồ của các doanh nghiệp, điều này góp phần kích hoạt sự phát triển của địa phương trong nhiều ngành nghề. Giai đoạn 2011-2015, Gia Lai chỉ có hơn 110 dự án đầu tư, bây giờ số dự án đã gấp 5 lần, khoảng 589 dự án được đăng ký, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 820.000 tỷ đồng, tăng 34 lần về vốn.Một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất đến từ nông nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch.

Với lĩnh vực năng lượng tái tạo,toàn tỉnh Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ Đô la Mỹ. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút hơn 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 23 dự án trồng trọt, 44 dự án chế biến, và 103 dự án chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 33.666 tỷ đồng, tương đương 1.4 tỷ Đô la Mỹ. Cuối cùng là 15 dự án cho lĩnh vực du lịch, thu hút 7.100 tỷ đồng, tương đương 308 triệu Đô la Mỹ.


Nguồn: Internet


Địa phương còn nhiều tiềm năng và cơ hội cho nhà đầu tư

Từng là địa phương chậm phát triển trong quá khứ do là địa phương đặc thù về vị trí địa lý và an ninh quốc phòng,cùng với các quy định về đảm bảo an ninh chính trị, hiện nay Đảng và Chính phủ đã dành cho Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng nhiều ưu tiên, điều kiện và chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và tạo điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn tỉnh đã không còn gặp nhiều khó khăn như trước đây. Do đó, dư địa của tỉnh về thu hút đầu tư còn rất lớn.

Vì chưa được đầu tư đúng mức, nên các thế mạnh và tiềm năng của tỉnh gần như còn nguyên sơ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi đến với Gia Lai, sau quá trình khảo sát, đã phát hiện tiềm năng và bắt đầu tiến hành triển khai đầu tư các dự án.

Không chỉ có các thế mạnh nêu trên,tỉnh Gia Lai còn có các tuyến đường bộ rất phát triển, với 5 quốc lộ đi qua, đặc biệt là có sân bay Pleiku, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Ngoài ra, Gia Lai còn có hạ tầng đấu nối và giải tỏa công suất tốt nhất hiện nay so với cả nước, tạo lợi thế riêng cho Gia Lai trong việc thu hút đầu tư về năng lượng tái tạo
.

Bên cạnh đó, việc đã và đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và thủ tục hành chính cũng là một trong những lý do giúp tỉnh bứt phá. Hiện nay, thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Gia Lai là 26/63 trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 12 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên
.


Ví dụ, để giúp doanh nghiệp rút gọn thời gian đăng ký đầu tư, các doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư,chứ không cần đi hết các sở, ngành, Tỉnh cũng thành lập Tổ công tác thúc đẩy xúc tiến đầu tư, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại, gặp mặt để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp cũng được lãnh đạo Tỉnh và các Sở ban ngành quan tâm. Với mục tiêu xây dựng Gia Lai trở thành điểm đến lý tưởng để đầu tư, Tỉnh Gia Lai cam kết đồng hành và lắng nghe mọi ý kiến, đóng góp từ các doanh nghiệp.




Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác