Tình hình thu hút vốn FDI tháng 1 năm 2023

Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, lũy kế đến ngày 20/01/2023, cả nước có 36.458 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 441,31 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 275,35 tỷ USD, bằng gần 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, có một điểm tích cực là Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 

Về đầu tư vào các ngành hàng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,34 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
 
5 ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất trong tháng 1/2023. 
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về đầu tư vào các địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 32 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1 năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 791,9 triệu USD, chiếm gần 47% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 10.7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với hơn 50 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 179 triệu USD, chiếm hơn 10,6 % tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo sau là các địa phương Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác