- Lĩnh vực bất động sản công nghiệp được nhiều nhà đầu tư mới quan tâm
Một số tên tuổi có thể kể đến như Công ty cổ phần DRH Holdings, Tổng Cty Cao su Đồng Nai, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), Tập đoàn Vingroup… Để chuẩn bị cho kế hoạch lấn sân sang bất động sản công nghiệp của mình, cuối tháng 3/2020, Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes - VinHomes IZ (Công ty con của Vinhomes) đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này làm việc với các địa phương, đề xuất đầu tư khu công nghiệp quy mô khủng như Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng), tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.
- Các nhà đầu tư cũ trong nước mở rộng đầu tư các dự án cũ và mới
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNIP) vừa khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích lên đến 1.800 ha tại Long An. Dự án được quy hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị, trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha.
Cũng trong cùng khu vực, dự án Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO, diện tích hơn 195 ha đã được khởi công. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến.
Đầu năm 2020, dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 1.000 ha và tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Bên cạnh diện tích 1.000 ha phục vụ công nghiệp, dịch vụ, Becamex Bình Định còn có hơn 400 ha để làm đô thị, dịch vụ và các tiện ích công cộng.
- Tham gia M&A hoặc xin đầu tư các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Việc Việt Nam thành công khống chế dịch Covid- 19 tạo ra một lợi thế rất lớn góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, trong những tháng cuối năm 2020, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào bất động sản công nghiệp Việt Nam thông qua việc M&A các dự án hoặc xin đầu tư các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
-Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị với ứng dụng công nghệ thông minh trongviệc quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, nước sạch, nước thải, điện, viễn thông, . . .) sẽ trở thành xu hướng
Theo đánh giá của IIP VIETNAM, hầu hết các Chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn đều muốn hướng đến loại hình KCN này, coi đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Mặt khác, dự án khu đô thị công nghiệp được phát triển sẽ tăng sức hút với các khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư phát triển mô hình này thông qua đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi…
Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cho thuê bất động sản kho vận, nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng
Công nghệ 4.0 đang mang lại sự thuận tiện hơn cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới. Việc sử dụng các ứng dụng công nghệ trong quá trình cho thuê, sản xuất và vận hành đang nổi lên như một xu hướng. Các “thế hệ nhà xưởng công nghiệp 4.0" ứng dụng công nghệ thực tế ảo để mang không gian nhà xưởng của họ đến khách hàng mọi lúc mọi nơi. Gói dịch vụ bao gồm pháp lý, nhân sự và kế toán miễn phí giúp khách hàng có thể xin giấy phép ngay cả khi ở nước ngoài.
Cách ly xã hội và lệnh hạn chế đi lại trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 khiế nhu cầu thuê nhà kho xây sẵn tăng đột biến trong khi số lượng yêu cầu thuê của các loại hình bất động sản công nghiệp khác sụt giảm. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ổn định ngay cả trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát. Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng ổn định tại hai khu vực công nghiệp chính ở miền Nam và miền Bắc.
Theo các chuyên gia IIP VIETNAM, thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ vào những chuyển biến mới về xu hướng đối với cả nguồn cung và nguồn cầu. Nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử đang và sẽ chiếm lĩnh nhu cầu thuê kho. Đi cùng với đó là nhu cầu tìm kiếm các quỹ đất phát triển cơ sở kho vận tăng cao. Các không gian lưu trữ có kiểm soát nhiệt độ (kho lạnh hoặc kho mát) sẽ được xem là các xu hướng phát triển mới của ngành kho vận khi mà mạng lưới buôn bán và phân phối thực phẩm tươi sống mở rộng đáng kể ở cả phương thức trực tuyến và tại các cửa hàng, siêu thị hiện hữu. Ở các khu vực có nguồn cung đất công nghiệp hạn chế, mô hình kho cao tầng cũng đã bắt đầu xuất hiện nhằm tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho nhu cầu của các công ty thương mại điện tử.
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm đón đầu các xu hướng nguồn cầu mới. Riêng đối với thị trường nhà xưởng và nhà kho, những sự phát triển mới về sản phẩm bất động sản công nghiệp xây sẵn đang diễn ra vô cùng nhanh chóng để tận dụng thời cơ vàng đang đến gần với toàn thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Đối với nhà xưởng xây sẵn, nhu cầu mở rộng và thiết lập mới không gian sản xuất trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển sản xuất được đẩy nhanh sẽ là động lực thúc đầy nguồn cầu chính trong thời gian tới. Nhằm đáp ứng các yêu cầu thuê trong bối cảnh mới, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những sự thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với các đòi hỏi cao hơn của khách hàng.