Cơ hội đón dòng vốn đầu tư đã được hé mở từ năm ngoái khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào. Đến nay, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam càng hấp dẫn hơn cho các DN tương lai.
Theo báo cáo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, bất động sản KCN sẽ hồi phục mạnh sau Covid-19, trong đó Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp. Tuy đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại nhưng về dài hạn, bất động sản KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công.
Cùng quan điểm về việc này, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết: "Bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc hưởng lợi trước kéo theo cơ hội phát triển cho bất động sản nhà ở hình thành quanh các KCN nhờ phát sinh nhu cầu ở thực của người dân, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia”.
Sự chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài đang tăng mạnh trong thời gian qua, ngay từ năm 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạt mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Sau dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng trong khu vực cho nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hoá danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019 cùng với dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong năm 2020 chính là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam càng hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư trong tương lai. Không chỉ Mỹ mà các nước Châu Âu, Nhật Bản đều kêu gọi và cho biết sẽ hỗ trợ các công ty của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế này. Dự báo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam và chảy mạnh hơn nữa vào nước ta trong thời gian tới. Vì vậy, các DN phải tích cực, chủ động nắm bắt, khai phá những cơ hội này.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn FDI chất lượng cao từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vào Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao”.
Theo số liệu thống kê chuyên ngành, ước tính trong 10 tháng năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút được 591 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI lên 10.055 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 198 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 70%.
Đối với các dự án đầu tư trong nước, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được 555 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 125,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế nâng tổng số dự án ĐTTN lên 9.845 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,34 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46%.
Tính đến hết tháng 10/2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm cả các KCN nằm trong các KKT ven biển, KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 73,6 nghìn ha (chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Trong số 369 khu công nghiệp được thành lập có 280 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 82,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56,6 nghìn ha, đã cho các nhà đầu tư thuê/thuê lại khoảng 39,8 nghìn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 70,1%) và 89 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 30,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,3 nghìn ha.
Đối với các KKT ven biển, quy hoạch phát triển các KKT ven biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển), diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm 1,75% diện tích đất cả nước). Trong 19 khu kinh tế được phê duyệt, có 18 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển), diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích đất cả nước), khoảng 100 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng, trong đó có 35 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh; 1 khu kinh tế chưa được thành lập là khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích 13.950 ha.
Cụ thể nguồn cung bất động sản công nghiệp tại từng khu vực, Bắc Ninh đang dẫn đầu miền Bắc với 5.460 hecta, theo sau là Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Trong khi đó, Đồng Nai dẫn đầu khu vực phía Nam với tổng nguồn cung là 10.066 hecta, theo sau lần lượt là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP. HCM và Tây Ninh.
Hiện Vụ Quản lý các Khu tinh tế (DEZM) đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án KCN sắp tới với diện tích trên 201.000 hecta. Trong số này, 259 KCN sử dụng 86.500 hecta vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.
Trong năm 2021 sẽ có thêm các dự án KCN nổi bật như KCN Nam Tràng Cát, KCN Thủy Nguyên (Hải Phòng), KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu), KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), KCN Việt Phát (Long An), KCN Sông Lô 1 (Vĩnh Phúc).