Tình hình đầu tư của Anh vào Việt Nam

Tính đến hết tháng 12 năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Trong đó, có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD. Có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD.
Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; tiếp sau là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản 4,2 tỷ USD, bán buôn bán lẻ trên 1,6 tỷ USD. Như vậy là lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD. Như vậy do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid19, vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 có giảm nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên số lượng các nhà đầu tư vào khảo sát và ký kết thỏa thuận hợp tác hiện đang tăng mạnh.
Đến hết tháng 12 năm 2020, Vương quốc Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký đạt 3,75 tỉ USD và đầu tư gián tiếp khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỉ USD). Cùng với sự phát triển của đất nước Việt Nam, với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt - Anh là 6,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh là 5,7 tỷ USD. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,61 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 5,75 tỉ USD, nhập khẩu đạt 857 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 2,57 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 tỉ USD, nhập khẩu đạt 337 triệu USD. Ngày 11-12 Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), theo đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau sáu năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Vương quốc Anh hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu.

 

Việt Nam có cơ hội để thu hút được nhiều hơn nữa dòng vốn từ Vương Quốc Anh, cũng như mở ra cơ hội kết nối thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán London. Năm 2021 và các năm tiếp theo, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Anh Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh, trong đó trọng tâm là thương mại và đầu tư. Nước Anh là một trong số các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nơi tập trung rất nhiều các quỹ đầu tư có vốn lớn. Do vậy, nếu chúng ta khai thác tốt, thì bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ sẽ rất cao. Phía Anh thì mạnh về tài chính, dịch vụ, còn Việt Nam thì mạnh về sản xuất hàng hóa. Do đó, chúng ta có điều kiện gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào Anh, còn bạn tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, giáo dục, năng lượng tái tạo…

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác