NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ 2020

1. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là gì?
Thuật ngữ "Đầu tư theo phương thức đối tác công tư" (Public Private Partnership - sau đây gọi tắt là đầu tư theo phương thức PPP", được hiểu là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP. 
Trong quan hệ hợp tác trên sẽ có hai bên chủ thể, chủ thể thuộc lĩnh vực công cộng – Nhà nước và chủ thể thuộc lĩnh vực tư nhân – các nhà đầu tư tư nhân. Hai bên chủ thể sẽ tiến hành hợp tác thông qua ký kết và triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP. 
Về cơ bản, khái niệm nêu trên có sự khác biệt nhất định so với cách định nghĩa cũ của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó “cơ sở hợp tác” theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là “có thời hạn”, còn trong Nghị định thì không nêu.
Còn lại, cả Luật này và Nghị định 63/2018/NĐ-CP đều quy định hai bên chủ thể là cơ quan nhà nước và nhà đầu tư; và mục đích của dự án để nhằm xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. 
2. Lĩnh vực, quy mô và phân loại dự án PPP
+ Lĩnh vực: 
Dự án PPP phải thuộc các lĩnh vực công bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo và Hạ tầng công nghệ thông tin.
+ Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP: 
Theo quy định của pháp luật, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng; trường hợp thuộc lĩnh vực Y tế, giáo dục đào tạo hoặc thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
+ Phân loại dự án PPP:
Căn cứ vào chủ thể lập/đề xuất dự án PPP, bao gồm 2 loại là dự án PPP do cơ quan có thẩm quyền lập và dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất. 
Căn cứ vào thẩm quyền quyết định của chủ trương đầu tư, dự án PPP được phân loại thành: (i) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; (ii) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và các cơ quan khác theo Quy định của luật này; (iv) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
3. Lựa chọn nhà đầu tư
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo các bước như sau: (i) Lựa chọn danh sách ngắn (nếu áp dụng); (ii) Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư; (iii) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; (iv) Đánh giá hồ sơ dự thầu; (v) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; (vi) Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng dự án PPP, công khai thông tin hợp đồng.
Trong đó, các nhà đầu tư cũng có đủ tư cách hợp lệ hay nói cách khác là đáp ứng các điều kiện nhất định. Trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện này thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trước đây Nghị định 63/2018/NĐ-CP về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được quy định theo pháp luật về đấu thầu, theo đó các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư của Luật Đầu thầu năm 2013 được quy định rộng, bao quát hơn và còn phụ thuộc vào các văn bản khác quy định chi tiết hơn. Còn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 đã rút ngắn, thu hẹp lại các đối tượng có đủ tư cách làm nhà đầu tư dự án.
4. Đánh giá hồ sơ dự tuyển và hồ sơ dự thầu
Ngoài quy định về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 còn quy định về phương pháp và tiêu chuẩn áp dụng cho hồ sơ dự tuyển. Luật Đấu thầu 2013 không có quy định các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. 
Đối với hồ sơ dự sơ tuyển, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 đều quy định phương pháp đánh giá dựa trên thang điểm 100 hoặc 1000 quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển mà bên mời thầu đưa ra. Thang điểm trên được chấm dựa trên các tiêu chuẩn bao gồm: 
a) Năng lực, kinh nghiệm về tài chính - thương mại, khả năng thu xếp vốn; kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.
Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh; nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%;
b) Phương án sơ bộ triển khai thực hiện dự án và cam kết thực hiện dự án;
c) Lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với các hợp đồng đã và đang thực hiện
Như vậy, theo quy định hiện tại, hồ sơ dự tuyển chỉ bao gồm những nội dung về năng lực, kinh nghiệm về tài chính – thương mại là chủ yếu chứ không bao gồm năng lực kỹ thuật. Như vậy thủ tục xét hồ sơ dự tuyển sẽ đơn giản và nhanh gọn hơn cho bên mời thầu.
Đối với hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ phải đánh giá nhiều tiêu chí hơn hồ sơ dự tuyển, trong đó bao gồm đánh giá về năng lực, kinh nghiệm theo phương pháp y hệt đánh giá hồ sơ dự tuyển, đánh giá về mặt kỹ thuật theo thang điểm 100 đến 1000 với các tiêu chuẩn: tiêu chuẩn về chất lượng, công suất, hiệu suất; tiêu chuẩn vận hành, quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng; tiêu chuẩn về môi trường và an toàn; tiêu chuẩn kỹ thuật khác; và đánh giá về tài chính – thương mại theo phương pháp so sánh, xếp hạng quy định trong hồ sơ mời thầu dựa trên các tiêu chuẩn sau: (i) Tiêu chuẩn giá, phí sản phẩm, dịch vụ công; (ii) Tiêu chuẩn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; (iii) Tiêu chuẩn lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước.
5. Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; hợp đồng dự án PPP
Luật này dành riêng một Chương để quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP và hợp đồng dự án PPP. 
Về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP, Nhà đầu tư sẽ phải thành lập doanh nghiệp dự án theo hai mô hình doanh nghiệp: công ty TNHH hoặc công ty cổ phần nhưng không phải là công ty đại chúng. Doanh nghiệp này được lập ra chỉ để có tư cách ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP. 
Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ được phát hành trái phiếu theo quy định dành riêng cho dự án PPP tại Điều 78 của Luật này.
Ngoài những quy định trên, việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, giải thể, phá sản của doanh nghiệp dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quy định khác của pháp luật có liên quan và hợp đồng dự án PPP (các nghị định quy định về hợp đồng dự án PPP, Luật Đấu thầu 2013,…)
Về hợp đồng dự án PPP, có ba nhóm hợp đồng: Nhóm Hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công và Nhóm Hợp đồng dự án áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công và Hợp đồng hỗn hợp. Nội dung cụ thể của các hợp đồng, việc kí kết, chấm dứt và các nội dung khác liên quan đến hợp đồng dự án PPP đều được quy định chi tiết tại Chương IV của Luật này.
6. Nguồn vốn thực hiện dự án, bao gồm:
Vốn Nhà nước bao gồm: 
a) Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP;
b) Thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
c) Chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công hình tạm;
d) Chi trả phần giảm doanh thu;
đ) Chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, đơn vị chuẩn bị dự án PPP, bên mời thầu để thực hiện các hoạt động thuộc nhiệm vụ của mình quy định tại Điều 11 của Luật này;
e) Chi phí của Hội đồng thẩm định dự án PPP, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP
Cần lưu ý rằng, tỷ lệ vốn nhà nước tại điểm a và điểm c không được quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, tức là không chỉ có mức đầu tư của dự án PPP mà trong trường hợp dự án có nhiều thành phần mà có dự án PPP, thì tỷ lệ vốn nhà nước nói trên sẽ được xác định dựa trên tổng mức đầu tư của dự án thành phần đó.
Vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP sẽ huy động các nguồn vốn hợp pháp cho dự án. Tổng số vốn vay thông qua các hình thức vay không vượt quá tổng số vốn vay quy định tại hợp đồng dự án PPP. Hình thức huy động vốn bao gồm: góp vốn chủ sở hữu và phát hành trái phiếu như đã đề cập ở trên.
7. Ưu đãi và bảo đảm đầu tư
Tuy không quy định cụ thể về chế độ ưu đãi, Luật này cũng đề cập rằng các nhà đầu tư và dự án PPP sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, những ưu đãi hiện tại vẫn chưa phải ưu đãi riêng cho dự án PPP mà vẫn chỉ là những ưu đãi sẵn có trong pháp luật đất đai và đầu tư.
Mặt khác, Chính phủ quy định các doanh nghiệp dự án PPP được bảo đảm đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và của riêng Luật này, ví dụ như Mục đích sử dụng đất của dự án được bảo đảm không thay đổi trong toàn bộ thời hạn thực hiện hợp đồng, kể cả trường hợp bên cho vay thực hiện quyền theo quy định tại Điều 53 của Luật này hay Doanh nghiệp dự án PPP được sử dụng công trình công cộng và công trình phụ trợ khác để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật,….
Ngoài ra, Luật này cũng quy định một cơ chế mới: cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức gia, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu. 
8. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước và giám sát hoạt động đầu tư theo phương thức PPP
Hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP là các hoạt động của những cơ quan có thẩm quyền nhằm kiểm tra những nội dung cụ thể khi tiến hành hoạt động đầu tư này, được quy định bởi Luật này, pháp luật về thanh tra và pháp luật về kiểm toán nhà nước. 
Ngoài ba hoạt động trên, Luật này còn quy định về việc giám sát hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, trong đó việc giám sát sẽ do chính những chủ thể có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (quy định tại điểm a, b, c và d Khoản 3 Điều 4 Luật này), ngoài ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng cũng có trách nhiệm giám sát hoạt động đầu tư nói trên, căn cứ pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và pháp luật về giám sát đầu tư của cộng đồng. Nội dung giám sát bao gồm những công đoạn chính trong quá trình từ mời thầu cho đến khi sản phẩm được hoàn thành và những nội dung khác theo yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. 
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu theo định hướng của Nhà nước. Luật này đã tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam.

(Nguồn: Phong Anh - Công ty luật GATTACA)

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác