Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong những năm qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp huy động và tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ 2016 – 2020 đạt 93.176,3 tỷ đồng, bằng 1,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (Nghị quyết Đại hội 60.000 tỷ đồng). Cụ thể, vốn đầu tư khu vực Nhà nước 05 năm 2016 - 2020 thực hiện hơn 19.775 tỷ đồng, chiếm 21,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước thực hiện trên 72.054 tỷ đồng, chiếm 77,3%; vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 1.346,1 tỷ đồng, chiếm 1,5% vốn đầu tư xã hội.
Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng giảm qua các năm trước. Có thể nói, nguồn lực đầu tư của tỉnh Quảng Bình đã giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư của Nhà nước. Tỉnh đã tập trung đầu tư phần lớn nguồn vốn cho hệ thống kết cấu hạ tầng nên đã có bước phát triển mới, tạo ra tiền đề cần thiết, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm có tính chất động lực thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, quy mô lớn để tạo sự phát triển kinh tế gắn kết với phát triển đô thị bền vững theo quy hoạch, tạo điểm nhấn cho đô thị, song song với bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là khai thác, huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình lớn, hiện đại; công trình mang tính cấp bách, trọng điểm và có ý nghĩa an sinh xã hội.
Tính đến nay, sự hoàn thành của một số công trình trọng điểm của tỉnh đã có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra diện mạo mới cho Quảng Bình như đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các công trình kè, thủy lợi quan trọng và giao thông nông thôn; hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Nhật Lệ 2; nâng cấp cảng Hòn La; đường nối từ phía Tây cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; đường từ thị trấn Hoàn Lão đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; Trung tâm Văn hóa tỉnh...
Việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Trung ương hỗ trợ đã phát huy được hiệu quả cao, tỉnh tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông về đến tận xã, thúc đẩy hoạt động giao thương, cơ sở y tế, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, mở rộng các cơ sở giáo dục - đào tạo, cải tạo và nâng cấp nhiều dự án thủy lợi trọng điểm hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả, phát huy tác dụng trong phòng, chống lũ, bão, xâm nhập mặn như: Đê, kè tả Lệ Kỳ, Kè cửa sông Nhật Lệ, đê Mỹ Cương xã Đức Ninh, nạo vét cửa sông Nhật Lệ... Nguồn vốn Nhà nước quản lý bố trí đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh và cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã thực sự có sức lan tỏa, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA), vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã góp phần cải thiện hạ tầng đáng kể, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được cấp Giấy phép với tổng số vốn đăng ký 783,7 triệu USD.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định tập trung thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại để tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế...