Hiệp định Thương mại EVFTA có hiệu lực dự báo sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics, bởi Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ của nhiều nhà máy đến từ các nước trong khu vực. Đặc biệt EVFTA được dự báo sẽ là đòn bẩy để Việt Nam đón nhận nguồn vốn đầu tư lớn của các nước FDI.
Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam gần đây đã trở lên sôi động với sự gia tăng của hợp đồng thuê đất và nhà máy tập trung nhiều ở khu công nghiệp và các tỉnh thành có cảng biển nước sâu trên cả nước. Do đó sự gia tăng này sẽ kéo theo nguồn cung dịch vụ vận tải logistics ở Việt Nam.
Đây là điều dễ hiểu bởi các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang có xu hướng rời bỏ Trung Quốc do chi phí tăng ảnh hưởng từ COVID-19, cũng như xung đột Thương mại với Hoa Kỳ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường.
Điều này giúp Việt Nam có cơ hội để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, đồng thời là nền tảng thiết yếu để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics.
Tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam những năm gần đây đạt mức tăng trưởng 14 - 16%/năm. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, song ngành logistics vẫn kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,56%/năm từ nay đến năm 2022, đạt mức doanh thu 113,32 tỷ USD vào năm 2022.
Theo dữ liệu báo cáo của CRIF D&B Việt Nam năm 2019, về xu hướng tăng trưởng doanh thu, ngành logistics Việt Nam có xu hướng tăng trưởng tích cực và liên tục, trong đó doanh thu bán hàng tăng 6,8% từ 305.825 triệu đồng năm 2017 lên 325.294 triệu đồng năm 2018 và lên 332.634 triệu đồng vào năm 2019, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12,23% năm 2017 lên 12,46% năm 2018, lên mức cao nhất 12,68% năm 2019.
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi Agility 2020 chỉ ra, trong nhóm 6 thị trường có tiềm năng nhất, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dẫn đầu. Việt Nam tiếp tục đứng thứ 3 vì sự tiến bộ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thị trường nội địa trong những năm gần đây.
Thị trường logistics đang thu hút trên 4.000 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các tên tuổi lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics… Ngành logistics Việt Nam đang trở thành lĩnh vực có đà tăng trưởng nóng, đặc biệt khi Covid-19 bùng phát. Điều này khiến các doanh nghiệp logistics truyền thống phải nhanh chân hơn bao giờ hết.
Theo ông Julien Brun, Quản lý đối tác của Công ty CEL Consulting, đại dịch xảy ra đã thúc đẩy Chính phủ và doanh nghiệp chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc tiếp cận các thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định mới và chủ động nắm bắt xu hướng chuyển dịch của các nhà máy từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thích nghi, sáng tạo và chuyển đổi số.
Cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu. Cùng với xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ trong nước và khu vực để giảm sự phụ thuộc, thị trường logistics đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) đang được Mỹ xem xét thiết lập, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Việt Nam. Các yêu cầu của thị trường mới này bao gồm chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sản phẩm liên tục đổi mới sáng tạo và yêu cầu minh bạch về xuất xứ hàng hóa.