Đà Nẵng là đô thị trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cảng Đà Nẵng là một trong những trọng điểm của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, cảng xuất nhập khẩu hàng hóa, trung tâm logistic của cả vùng bao gồm: nước Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanma và miền Trung Việt Nam. Khi việc tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN thực hiện mạnh mẽ thì vị trí của thành phố cảng sẽ là một lợi thế quan trọng tạo lực để thành phố trở thành trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bên cạnh đó sân bay quốc tế Đà Nẵng-cảng hàng không lớn nhất miền Trung, cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực.
Theo thông tin tổng hợp của Cục Thống kê Đà Nẵng, tính cho đến thời điểm hiện tại (02/12/2020), tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư chung của cả nước, tuy nhiên, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân Thành phố Đà Nẵng nên việc thu hút đầu tư của Thành phố vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê của Saigontel trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Nguồn: Internet
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong 11 tháng đầu năm 2020, Thành phố Đà Nẵng cấp mới được 73 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 123,32 triệu USD. Lũy kế đến nay thành phố có 876 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,521 tỷ USD. Riêng giai đoạn 15/10-15/11/2020, thành phố thu hút được 2,552 triệu USD; trong đó có 01 dự án FDI cấp mới; 04 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 224 triệu USD; 04 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 0,269 triệu USD. So với năm 2019, thu hút FDI của Đà Nẵng giảm cả về số lượng dự án (ước tính 65%) và tổng số vốn (ước tính 26%). Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Đối với các dự án đầu tư trong nước, tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án trong nước vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các KCN trên địa bàn với tổng vốn đầu tư 1.254,5 tỷ đồng (gấp 1,47 lần về vốn so với cùng kỳ). Đồng thời cấp Quyết định chủ trương đầu tư ở ngoài KCN cho 07 dự án trong nước với tổng vốn 16.371 tỷ đồng (gấp 1,9 lần về vốn so với cùng kỳ). Bao gồm: dự án Mở rộng Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò 3.442 tỷ đồng; dự án Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa 4.268 tỷ đồng; dự án Khu chung cư cao tầng Văn phòng thương mại và Nhà ở Tuyên Sơn 1.987 tỷ đồng; dự án Khu phức hợp Y tế - Giáo dục – Chung cư cao cấp 1.118 tỷ đồng; dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420 000m3/ngày đêm 360 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô 4.825 tỷ đồng; dự án Khu biệt thự thuộc phân khu nhà ở phục vụ chuyên gia làm việc trong Khu CNTT tập trung Đà Nẵng 371 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, dự án Khu CNC Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I (98%) và giai đoạn II (đạt 90%). Giai đoạn III hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành quý II/2021; Dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu CNC Đà Nẵng đã thi công được 70% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong qúy I/2021. Ngoài ra, Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư cho 3 dự án KCN mới gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh với tổng diện tích hơn 880ha. Khi 3 KCN mới này đi vào hoạt động, cộng với việc chuyển đổi KCN hỗ trợ Khu CNC, Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202ha, tạo quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Các yếu tố tạo nên sức mạnh trong việc thu hút đầu tư của Đà Nẵng là: vị trí trọng điểm trong khu vực, hạ tầng phát triển tốt, thu hút được nguồn lực chất lượng cao, chính quyền cầu thị và năng động, có định hướng và tầm nhìn đúng, nỗ lực cải cách và hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư.
Để thu hút các nhà đầu tư trong năm 2021 và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu CNC và các khu công nghiệp (KCN); quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu có nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài.