Dịch Covid-19 xuất hiện cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm cho việc giải ngân vốn FDI trong 2 năm qua bị chậm lại đáng kể, năm 2020 là 19,98 tỷ USD, còn năm 2021 là 19,74 tỷ USD và tính riêng 11 tháng năm 2022, giải ngân vốn FDI đã đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong Báo cáo Quốc hội gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn FDI năm nay có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021. Nếu đạt được con số này, thì có nghĩa, thu hút FDI của Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tính riêng 11 tháng năm 2022, vốn đăng ký lại chưa đạt được kỳ vọng chỉ có 25,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù số liệu giảm nhưng tình hình đã được cải thiện, bởi con số 95% đã cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Cùng với đó, vốn đăng ký mới cũng dần có sự cải thiện. 11 tháng, có 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng đã tăng 5,7 điểm phần trăm so với 10 tháng. Vốn điều chỉnh vẫn tăng khá mạnh, đạt 9,54 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Tuy vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt gần 4,08 tỷ USD, bất ngờ “quay đầu”, giảm 7% so với cùng kỳ, khiến tính chung, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 11 tháng tiếp tục giảm, song rõ ràng, xu hướng đang ngày càng tích cực hơn.