Mặc dù giai đoạn đầu năm 2022, dịch bệnh có diễn biến căng thẳng, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, phổ biến qua các kênh truyền thông gián tiếp như tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư qua điện thoại, internet, cổng thông tin giao tiếp điện tử của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, … Thông qua các hoạt động này đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch, song vẫn đảm bảo được hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Và kết quả mà tỉnh đã đạt được là 10 tháng đầu năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút được 21 dự án FDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 292,6 triệu USD, đạt 98% kế hoạch năm. Đồng thời, thu hút 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.261,58 tỷ đồng, đạt 323% kế hoạch năm.
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 15/10/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 23 dự án DDI, trong đó có 16 dự án cấp mới, 7 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký đạt gần 10 nghìn tỷ đồng; thu hút 57 dự án FDI, trong đó 25 dự án cấp mới, 32 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký đạt trên 312 triệu USD. Điểm sáng tập trung tại 32 dự án điều chỉnh quy mô với 136,45 triệu USD, tăng 11,23% so với cùng kỳ. Cũng tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh có 443 dự án còn hiệu lực đầu tư, gồm 96 dự án đầu tư trong nước và 347 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có 385 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 86,9% tổng số dự án; 13 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, 36 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai, 5 dự án đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và 4 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động. Vốn thực hiện tháng 10/2022 của các dự án FDI, DDI đạt 32,2 triệu USD và 50 tỷ đồng.
Nếu tính riêng trong tháng 10/2022, toàn tỉnh có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 20.531 tỷ đồng, tăng 18,71% về số doanh nghiệp và 99,72% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ với 710 doanh nghiệp, đây là khu vực đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ nhất sau đại dịch. Số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 363 doanh nghiệp, tăng 16,72% so với cùng kỳ năm trước.
Các số liệu trên cho thấy, mặc dù là địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài.