Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng thế mạnh, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút FDI, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tính đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,31 tỷ USD. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp); 62 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 5,95 tỷ USD.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 20 lượt nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Sau làm việc, hầu hết nhà đầu tư đã đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư và có cam kết quá trình thực hiện dự án.
Mặc dù cũng là địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tính riêng năm 2021, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã chi 423 triệu USD để đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh thu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1,6 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước gần 700 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 34.000 lao động. Cùng với đó, các dự án FDI lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp điện tử đi vào hoạt động sản xuất ổn định, tạo giá trị lớn, như Nhà máy S-Việt Nam của Công ty TNHH Competiton Team Technology (Tập đoàn Foxconn); Nhà máy Bumjin Electronics Việt Nam của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina…
Trong 9 tháng năm 2022, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.270 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng thu hút vốn ngoài ngân sách tại tỉnh Quảng Ninh đạt 43.746 tỷ đồng).
Có thể thấy khu vực FDI đã góp phần trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác - chế biến than, sản xuất volfram, kim loại hiếm, sản xuất điện... và là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của toàn tỉnh.