Nhằm hỗ trợ các địa phương, khu công nghiệp và doanh nghiệp duy trì kết nối với các nhà đầu tư Nhật Bản trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau COVID-19, Cục XTTM đã trao đổi và phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội triển khai tổ chức chương trình trực tuyến “Hội thảo Kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản” diễn ra vào ngày 01/12/2022. Hội thảo đã thu hút được sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản và khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam.
Hội thảo trực tuyến “Kết nối Đầu tư Việt Nam – Nhật Bản”
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã chia sẻ về vấn đề nhu cầu, tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam và việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh hậu Covid và sự chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Long An và những ưu đãi của các địa phương này dành cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản trong gần 50 năm qua luôn đi theo chiều hướng tích cực, Hai nước đã và đang cùng nhau tăng cường phối hợp, ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… cũng như cùng nhau thực hiện những dự án liên quan đến lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nông nghiệp sạch, công nghệ cao...
Về tình hình đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, tính riêng trong tháng 10 năm 2022, Việt Nam đã thu hút được hơn 22,46 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN, bằng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết mặc dù dòng vốn FDI của Nhật Bản ra thế giới giảm 49% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021; nhưng trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, vốn đầu tư FDI sang Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng hơn 45% năm 2022. Cùng với đó, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Tập đoàn EREX, JERA, MUJI hay các chuỗi cửa hàng bán lẻ như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven…hiện nay đã có mặt tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ ngày càng mở rộng thị trường hoạt động, tăng vốn sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hậu COVID-19, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã xây dựng và ban hành chiến lược cải cách chuỗi cung ứng, hỗ trợ sản xuất trong nước và chuyển nhà máy của các công ty Nhật Bản từ Trung Quốc về Nhật hoặc sang các nước ASEAN với khoản tiền đầu tư lên tới 243,5 tỉ Yên (khoảng 2,29 tỷ USD) sẽ được đổ vào các nhà máy tại các nước ASEAN với các hạng mục: (i) 2,07 tỉ USD hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy, đầu tư trang thiết bị sản xuất trong nước; (ii) 220 triệu USD hỗ trợ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cho chuỗi cung ứng nước ngoài, chủ yếu là chuyển nhà máy sang các nước ASEAN. Qua quá trình triển khai thực thi chiến lược này của Bộ METI, Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN khi có 37 doanh nghiệp quyết định chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, xếp thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp (số liệu tính đến hết quý III/2022).
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, trong số các công ty Nhật Bản (có trụ sở chính tại Nhật Bản) đang hoạt động ở nước ngoài có tới 46% số doanh nghiệp này đang cân nhắc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam là một thị trường đang được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Ngoài ra, ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cũng đánh giá Việt Nam là một nước có dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, chính phủ và chính quyền Việt Nam năng động, nhiệt tình và các khu công nghiệp của Việt Nam hiện đang phát triển, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện về hệ thống pháp luật và cải cách các thủ tục hành chính để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng trong buổi Hội thảo, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, khẳng định sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp, khu công nghiệp Việt Nam và Nhật Bản giải quyết những khó khăn, thách thức, định hướng xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển công thương nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai nước.
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo, đại diện 06 khu công nghiệp của Việt Nam: KCN An Phát 1, KCN Du Long, KCN Hựu Thạnh, KCN Minh Hưng Sikico, KCN Long Hậu và KCN Phước Đông cũng đã có bài trình bày, giới thiệu về tình hình thu hút đầu tư của khu công nghiệp nhằm quảng bá thông tin, hình ảnh tới các nhà đầu tư Nhật Bản. Phiên Giao thương giữa nhà đầu tư Nhật Bản và khu công nghiệp Việt Nam cũng đã được tổ chức cùng ngày.
Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại dự kiến sẽ phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức Đoàn Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản năm 2023 nhân dịp kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.