Đầu tư của Singapore vào Việt Nam năm 2020

Trong năm 2020 đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,1 tỷ USD.
Với GDP năm 2020 tăng 2,91% Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Ðông - Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh và được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để giúp thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn; vừa cải cách hành chính vừa đàm phán ký kết các Hiệp thương thương mại tự do với các thị trường lớn. Trong Báo cáo Doing Business 2020 Report của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 70 trong số 190 nền kinh tế, nhờ sự cải thiện trong hầu hết lĩnh vực. Chính vì lý do đó nên các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư từ Singapore rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. 
Cho đến nay Singapore vẫn là quốc gia đứng đầu Châu Á thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt văn phòng đại diện. Chính vì vậy đằng sau nhà đầu tư Singapore là các tập đoàn đa quốc gia đến các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Châu  u… Singapore từ lâu đã có thế mạnh là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, logistic, nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội đầu tư-thương mại. Việt Nam và Singapore có quan hệ đối tác chiến lược với các khuôn khổ hợp tác kinh tế chặt chẽ như Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21, Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Singapore, các Hiệp định về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định CPTTP... đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, môi trường chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Trong năm 2020, trong số những đề nghị tham vấn về đầu tư ra nước ngoài mà Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore nhận được, nhiều nhất là kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam được lựa chọn vì có những lợi thế như chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược.
Các nhà đầu tư Singapore đã sớm đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng và các giải pháp phát triển đô thị tại Việt Nam điều này cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp Singapore. Được thành lập năm 1996, Khu công nghiệp Vietnam - Singapore (VSIP), liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam - Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development dẫn đầu, là dự án khởi đầu của doanh nghiệp Singapore. Đến nay, VSIP đang vận hành và phát triển 7 dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút hơn 14,5 tỷ USD và tạo khoảng 272.300 việc làm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư Ascendas liên doanh với Công ty Protrade phát triển và quản lý Khu công nghiệp quốc tế Protrade rộng 500 ha tại tỉnh Bình Dương và Dự án Saigon OneHub, có diện tích 12 ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM. 
Ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp Singapore như Keppel Land, CapitaLand và Mapletree đã đầu tư phát triển các dự án thương mại, du lịch và khu phức hợp tại những thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM). Hiện tại, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, với tác động của các FTA và sự dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp và kho vận là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất gần đây. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Singapore, với việc đã có mặt sớm tại Việt Nam, chủ động chuẩn bị được nhiều quỹ đất lớn tại những địa phương phát triển công nghiệp mạnh, được nhìn nhận là sẽ có nhiều ưu thế và thu lợi lớn.
Cùng với bất động sản, các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, logistic cũng đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Singapore. Tháng 09/2020 Công ty cổ phần SG Logistics với vốn đầu tư hơn 80 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung đây là dự án thứ ba của doanh nghiệp này ở TP.HCM để chuẩn bị đón sóng đầu tư. Tháng 10/2020 Công ty Delta Offshore Energy (Singapore) đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu với tổng công suất thiết kế 3.200MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 4 tỷ USD.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, năng lượng, gần đây Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ và dịch vụ đến từ Singapore. Làn sóng doanh nghiệp công nghệ của Singapore tham gia đầu tư, hợp tác tại Việt Nam được phát triển mạnh hơn trong khoảng 2 năm trở lại đây. Chẳng hạn, Finaxar hợp tác với Indovina Bank Việt Nam nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay Bankograph Pte Limited đầu tư vào lĩnh vực fintech tại Việt Nam.
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao. Những quy định được sửa đổi trong Luật Đầu tư (năm 2020) tạo cơ chế rõ ràng hơn trong quy trình đầu tư, quy định rõ ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ Singapore và các start-up đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tiếp tục tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo. 
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với cơ chế thuận lợi để thực hiện các dự án trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng lưới điện, nhà máy điện, quản lý nước, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục và y tế theo hình thức PPP cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore. Dự báo Singapore với thế mạnh về thực hiện dự án PPP sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc phát triển các dự án theo phương thức này tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Singapore có thể phát huy các quy định trong luật mới về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu tối thiểu của Nhà nước để theo đuổi các dự án hạ tầng dài hạn tại Việt Nam thông qua hình thức PPP.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác