Tình hình đầu tư ra nước ngoài 10 tháng đầu năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư ra nước ngoài 10 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dự án đầu tư, trong 10 tháng năm 2022, có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%. Số vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do có 5 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, mỗi dự án có số vốn hơn 34,68 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/10, Việt Nam đã có 1.594 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 21,68 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,1%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào, Campuchia, Venezuela…

Về lĩnh vực đầu tư, tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 224 triệu USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 42,8 triệu USD, chiếm 9,5%; hoạt động khai khoáng đạt 39,8 triệu USD, chiếm 8,8%.

Về địa điểm đầu tư, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, trong đó Singapore là nước dẫn đầu với 75,3 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư; Lào 70 triệu USD, chiếm 15,5%; Hoa Kỳ 38,2 triệu USD, chiếm 8,5%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 7,7%...

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác