Doanh nghiệp FDI thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách thủ tục hành chính (TTHC); từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp… Nhờ vậy, môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Thời điểm mới tái lập tỉnh chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD và gần 900 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng.
Vĩnh Phúc trở thành điểm đến, phát triển của nhiều nhà đầu tư lớn, các “đại bàng” trên thế giới như Toyota, Honda, Piagio, Sumitomo, Compal, Deawoo Bus, Tập đoàn Prime, Thép Việt Đức.

 
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh,
đóng góp thuế trung bình hàng năm xấp xỉ 900 triệu USD

Nhiều doanh nhân đã thành công, tạo nên thương hiệu lớn, nhận nhiều giải thưởng Quốc gia và được vinh danh trên nhiều diễn đàn DN cấp quốc gia… góp phần đưa Vĩnh Phúc là 1 trong 15 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước; thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người nằm trong top 10 tỉnh cao nhất cả nước, hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư hiện đại, đồng bộ, các lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển.
Đầu tư vào Vĩnh Phúc từ năm 1995, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng nhà máy của công ty đạt trên 70.000 xe/năm, số lượng lao động lên tới hơn 1.900 người và 8.800 nhân viên làm việc tại 78 đại lý/chi nhánh và trạm dịch vụ ủy quyền toàn quốc.
Tổng số đóng góp thuế trung bình hàng năm của công ty đạt gần 60% tổng số thuế nộp vào ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc, đóng góp đáng kể không chỉ cho kinh tế, mà còn cho cộng đồng và con người tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến công ty gặp những khó khăn nhất định trong lĩnh vực SXKD cũng như lĩnh vực vận chuyển – quản lý chuỗi cung ứng.
Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai nhanh chóng công tác tiêm phòng vắc xin; khoanh vùng, cách ly, truy vết; cấp giấy phép vận tải luồng xanh; giảm thời gian làm thủ tục hải quan; hỗ trợ DN làm việc với các tỉnh liên quan trong việc duy trì sản xuất của các nhà cung cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho doanh nghiệp…
Trong năm 2021, Toyota Việt Nam đã xuất xưởng hơn 30.000 xe, doanh số bán hàng đạt hơn 69.000 xe (bao gồm xe Lexus), đứng đầu thị trường xe du lịch; đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động xuất khẩu linh kiện, phụ tùng với doanh thu 70,8 triệu USD, tăng 38% so với năm 2020 và đóng góp hơn 1 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác