Tỉnh An Giang thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới

An Giang, giai đoạn 2021-2025, An Giang phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện là Chợ Mới và Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục giữ vững 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 và phấn đấu có có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 

Ảnh minh hoạ
Đến năm 2025, An Giang cũng phấn đấu 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định và có 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”.
Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, An Giang phấn đấu có thêm 28 xã đạt xã nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh có trên 75% trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 90 triệu đồng/người/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm.
Tỉnh An Giang cũng kỳ vọng đến 2025, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn dự kiến đầu tư công của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 6.500 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 1.700 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh gần 3.800 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện hơn 1.100 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn lực xã hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, thời gian tới tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các tiêu chí không bền vững, An Giang sẽ có giải pháp hoàn thiện, đảm bảo tính bền vững khi đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, An Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án tạo quỹ đất, rà soát, quy hoạch quỹ đất công tại các địa phương để sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
"Để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả tích cực, tỉnh An Giang sẽ vận dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Điều này nhằm thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư; khuyến khích huy động nguồn vốn đầu tư từ thành phần doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng nông thôn theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Từ đó, hướng đến hình thành mạng lưới giao thông nông thôn thông suốt nối liền các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, về đến địa bàn xã ấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản", ông Thư thông tin.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao và sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, tỉnh khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát; ưu tiên phát triển các mặt hàng có tiềm năng và lợi thế địa phương. Tỉnh cũng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển các nông sản chủ lực để tăng hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh.
Song song đó, tỉnh An Giang cũng tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chung toàn tỉnh trên cơ sở phải dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau khi học nghề phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là huyện Thoại Sơn và 2 thành phố Châu Đốc và Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Tỉnh An Giang hiện có 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 51,26%, tăng 48 xã so với giai đoạn 2011 - 2015 và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớn hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, ổn định chính trị của tỉnh An Giang. 
Chương trình sau một thời gian dài triển khai thực hiện ở An Giang đã thay đổi bộ mặt cho địa bàn các xã, nhất là các xã khó khăn, xã dân tộc, xã biên giới. Đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; kết cấu hạ tầng của địa phương được cải thiện đáng kể.../.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác