Đồng Tháp: Tiền năng đầu tư và phát triển

Tiềm năng, thế mạnh của Đồng Tháp là gì?
Trong những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những thành quả kinh tế rất đáng phấn khởi, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,12% (giai đoạn 2015-2019), vươn lên đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đặc biệt, năm 2012, Đồng Tháp vươn lên đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, mở ra triển vọng mới trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là minh chứng rõ nét nhất về trách nhiệm của chính quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp đến làm ăn tại Đồng Tháp. Minh chứng ấy cho thấy sự thân thiện, đồng hành, lắng nghe và giải quyết thấu đáo mọi yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 165km về phía Tây Nam, Đồng Tháp có hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá.
 
Với tuyến quốc lộ 30, 54 và 80 đi qua, cùng với các tuyến N1, N2 được triển khai thi công trong thời gian tới sẽ góp phần đưa mạng lưới giao thông của Đồng Tháp hoàn chỉnh và thông suốt hơn. Lợi thế này đang được lãnh đạo tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Hệ thống giao thông thuỷ cũng đóng vai trò rất quan trọng, từ hai nhánh sông Cửu Long cũng đã hình thành 02 bến cảng đáp ứng yêu cầu bốc dỡ hàng hoá của doanh nghiệp. Cũng chính từ hệ thống sông ngòi, với nguồn nước ngọt dồi dào đã đem lại sự trù phú cho vùng đất được mệnh danh là “đất lành chim đậu”, với những mặt hàng nông, thuỷ sản thuộc loại chiến lược quốc gia.
Với sản lượng lúa đạt trên 2,6 triệu tấn, sản lượng cá cung cấp cho chế biến xuất khẩu đạt trên 245.000 tấn, trên 2.000 tấn tôm mỗi năm và nhiều loại trái cây nổi tiếng khác thật sự là nguồn nguyên liệu dồi dào hỗ trợ đắc lực cho việc sản xuất và đa dạng các sản phẩm công nghiệp gắn với nông nghiệp.
 
Lãnh đạo tỉnh xác định, bên cạnh lợi thế về nguồn nguyên liệu thì một trong những điều kiện cần để đón doanh nghiệp và nhà đầu tư, đó là việc xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch tổng thể 06 khu công nghiệp, trong đó có 03 khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn thu hút 117 dự án. Hiện tại, đã có 61 dự án đi vào hoạt động, 22 dự án đang thi công xây dựng cơ bản và 34 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, Đồng Tháp đã tiến hành quy hoạch tổng thể 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.100 ha, trong đó có 19 cụm đã được lập quy hoạch chi tiết với diện tích 967 ha, đã thu hút được 44 dự án đăng ký đầu tư trong các cụm công nghiệp, trong đó có 08 dự án đã đi vào hoạt động, 15 dự án đang xây dựng và 21 dự án chuẩn bị đầu tư.
Trong số các dự án đã đi vào hoạt động, có không ít dự án đầu tư hiệu quả, đã và đang được các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Những dự án còn lại đang hứa hẹn, chờ đón các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư để tạo nên bức tranh công nghiệp hoàn chỉnh và khởi sắc hơn.
 
Không chỉ chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, Đồng Tháp đã và đang mời gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế khu kinh tế cửa khẩu. Với diện tích tự nhiên lên đến gần 32.000 ha, khu kinh tế này sẽ phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với cửa khẩu quốc tế; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông MêKông, trước hết trong quan hệ với Campuchia.
Bên cạnh đó, xây dựng khu Kinh tế trở thành khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp và có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. Các định hướng, chiến lược quan trọng này đang được tỉnh quan tâm triển khai, mời gọi.

 

Với đường biên giới dài 48,7 km giáp nước bạn Campuchia, Đồng Tháp có đến có 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà thuộc 02 huyện Hồng Ngự và Tân Hồng đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và mời gọi đầu tư. Tại cửa khẩu Dinh Bà, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng đã và đang khai thác, kinh doanh hiệu quả.
Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển lâu dài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua, đó là nguồn lực lao động dồi dào. Với dân số gần 1,7 triệu dân, đa phần là lao động trẻ, cộng với hệ thống đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh đã giải quyết tốt bài toán về lao động theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trường Đại học, 02 trường Cao đẳng, 04 trường trung cấp chuyên nghiệp, 01 Trung tâm Xúc tiến việc làm, 08 Trung tâm dạy nghề và 46 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo nghề mỗi năm trên 21.000 người, khẳng định lợi thế về nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu sản xuất và phát triển.
 
Không chỉ đảm bảo các yếu tố hình thành nên sản phẩm mà Đồng Tháp còn chú trọng tạo ra kênh phân phối và tiêu thụ hàng hoá cho doanh nghiệp. Hiện tại, hệ thống thương mại và dịch vụ ở Đồng Tháp được phân bố khá phù hợp ở từng địa bàn, khu vực như các siêu thị, chợ đầu mối ở trung tâm thị xã, thành phố cùng với hơn 228 chợ truyền thống trải đều ở các trung tâm huyện, xã, mở thêm kênh lưu thông nông sản, hàng hóa mới theo hướng văn minh, hiện đại, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và người tiêu dùng. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2010 đạt trên 27.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 600 triệu USD.
Đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch cũng là lĩnh vực được quan tâm mời gọi đầu tư. Với các khu di tích, khu du lịch tầm cỡ như Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc v.v. hứa hẹn sẽ mang đến sự hài lòng của du khách và nhà đầu tư khi đến Đồng Tháp.
 
Với cam kết mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo tay nghề cho công nhân theo dự án được duyệt thông qua Trường, Trung tâm dạy nghề trong tỉnh, nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng cho 01 lao động. Tỉnh sẽ hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại như giới thiệu sản phẩm miễn phí trên Website: www.dongthaptrade.com.vn; hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ vay vốn và lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, miễn, giảm tiền thuê đất, trợ cấp làm nền, giải phóng mặt bằng. Riêng khi đầu tư vào các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười), nếu đầu tư vào danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi khó khăn như: dự án sử dụng thường xuyên từ 5.000 lao động trở lên, đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Pháp luật. Khi có những thay đổi về chính sách ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được lựa chọn mức ưu đãi có lợi nhất.
Cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa; tiếp tục vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng điều kiện hạ tầng v.v. là cam kết của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vì cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác