Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, một số doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản hay sụt giảm lợi nhuận một cách đáng kể làm các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế dương, với mức tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91% thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020. Bên cạnh đó, với tình hình của “Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung”, Việt Nam được biết đến là điểm đến của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ.
Với sự dịch chuyển của nền kinh tế hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị những điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tốt nhất để đón các nhà đầu tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0.
Hà Nam đang nỗ lực thay đổi để thu hút FDI
Nguồn:Internret
Việt Nam luôn đượcđánh giá cao với nền kinh tế chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nên kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Gần đây nhất Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do EVFTA đã góp phần làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam. Ngoài những nỗ lực trong việc cải cách chính sách, các địa phương cũng nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư tốt nhất tại địa bàn của mình để thu hút các nhà đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính lũy kế đến cuối tháng 02/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kếtcấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đạt khoảng 5,30 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng. Cả nước hiện nay có 370 KCN được thành lập trong đó có 284 KCN đang hoạt động và 86 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha.
Hà Nam là một tỉnh thuộc top đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Trong năm 2020, tỉnh thu hút đơn 33 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 730 triệu USD, trong đó có hơn 540 triệu USD vốn đăng ký cấp mới. Để đạt được điều này, tỉnh đã chuẩn bị kỹ càng về cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và xây dựng 10 cam kết “vàng” với nhà đầu tư gồm:
· Cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp;
· Bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp;
· Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày;
· Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật;
· Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân và các dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí;
· Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh;
· Thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhanh gọn;
· Bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp;
· Bảo đảm không có đình công, bãi công;
· Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.
Cùng với Hà Nam, Bắc Ninh cũng là một tỉnh nằm trong top đầu của cả nước về thu hút đầu tư FDI. Theo số liệu của CụcĐầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong năm 2020, tỉnh Bắc Ninh thu hút được 153 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư hơn 900 triệu USD. Không chỉ chú trọng vàoviệc cải thiện cơ sở hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh còn chú trọng đến sự đổi mới, sáng tạo trong cơ chế và chính sách liên quan đến đầu tư. Cấp chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề đầu tư bằng việc hàng năm tỉnh luôn tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giao thương, mở rộng thị trường, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp tại tỉnh.
Với sự nỗ lực chuẩn bị của các cấp từ Trung ương tới địa phương, trong tương lai, Việt Nam sẽ là điểm sáng để đón các nhà đầu tư sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn thế giới. Việt Nam sẽ giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là địa chỉ quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới.