Long An - “thương hiệu” mạnh trong thu hút đầu tư

Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng hạ tầng đang được quy hoạch đầu tư,Long An dễ dàng nhận được sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) . Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2019, tỉnh Long An đã cấp mới 109 dự án, doanh nghiệp FDI với tổng số vốn cấp mới 320 triệu USD, tăng 38 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.009 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 6.166 triệu USD, trong đó có 576 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD. Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI là may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm, đồ uống. Các DA FDI tập trung chủ yếu tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Hiện có khoảng 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có số DA nhiều nhất. 
Thời gian qua các doanh nghiệp FDI đóng góp đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước. Tỉnh hiện có gần 900 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm số lượng khá lớn. Hàng hóa xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: gạo, hạt điều, thủy sản, giày da, may mặc, vải dệt, sợi, cơ khí, sắt thép, bình ắc-quy, sản phẩm điện tử, máy vi tính,... Có thể khẳng định các doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Long An.
Tuy thu hút đầu tư FDI đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng Long An cũng có những hạn chế nhất định. Hầu hết các dự án FDI có quy mô nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao. Các dự án FDI còn tập trung nhiều vào các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày,... ít dự án đầu tư ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, chưa có nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Ngoài ra, tại Long An, doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động còn thấp so với doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện chỉ 576 doanh nghiệp /1.000 doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD trong tổng vốn đăng ký 6.166 triệu USD. 
Thời gian tới, Long An tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí địa lý để thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp FDI. Theo đó, tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp, bao gồm các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TP.HCM. Chính quyền tỉnh Long An tiếp tục nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng, nhằm đưa Long An trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư tại Việt Nam./.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác