Ngày 22 tháng 6 năm 2018, tại Thành phố Minsk, Cộng hòa Belarus, đã diễn ra Khóa họp lần thứ 14 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật (UBLCP). Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Belarus Semashko Vladimir I. và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Khóa họp.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Belarus Semashko Vladimir I. hài lòng và ghi nhận hợp tác giữa Việt Nam và Belarus về kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật đang từng bước được mở rộng, đạt kết quả khả quan, đặc biệt là tại các lĩnh vực công nghiệp ô tô, hóa chất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, quan hệ Việt Nam và Belarus thời gian qua đã phát triển hợp tác nhiều mặt trên cơ sở quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ở mỗi quốc gia. Bên cạnh nền tảng quan hệ chính trị, tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước, Việt Nam và Belarus đang cùng thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu mà Belarus là nước thành viên và nhiều thoả thuận hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của hai nước trong việc duy trì và tổ chức hai năm một lần Khóa họp luân phiên tại mỗi nước, đề ra các giải pháp cụ thể và toàn diện, nhằm hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai bên vui mừng nhận thấy thời gian qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Belarus có tăng trưởng. Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có giữa hai nước. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Belarus đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 7% so với năm 2016. Theo số liệu của Hải quan Belarus năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 135 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2016.
Từ sau Khóa họp lần thứ 13 UBLCP, hợp tác song phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
- Nghị định thư về hợp tác sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam đã bắt đầu được triển khai và hai bên đã tích cực phối hợp để cùng nhau xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Nghị định thư này. Liên doanh MAZ-Asia giữa Công ty MAZ (Belarus) và Âu Việt (Việt Nam) đang tích cực hoàn thiện Nhà máy sản xuất ô tô tài tại Hưng Yên và đã bắt đầu nhập xe tải miễn thuế theo hạn ngạch được cấp trong khuôn khổ Nghị định thư.
- Khóa họp lần thứ 10 của Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam – Belarus được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2017 tại Thành phố Minsk, Cộng hòa Belarus. Hai bên xác định lại các hướng ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2017 – 2020 gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ và thiết bị quan điện tử.
- Năm 2017, nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Belarus, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Văn hóa Belarus đã tổ chức Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội và Lào Cai. Ngày 12 đến 17 tháng 6 năm 2018, Bộ Văn hóa hai nước tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus tại Thành phố Minsk và Brest, CH Belarus.
- Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp chế biến sữa... đã được hai bên bước đầu trao đổi chi tiết hơn, với nhiều triển vọng mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực cho hai nước.
Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác song phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng UBLCP cần tìm biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và Belarus, khắc phục từng bước các khó khăn như cách biệt địa lý, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, doanh nghiệp chưa chủ động tích cực tìm hiểu thị trường. Bộ trưởng hoan nghênh các doanh nghiệp của Belarus đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt hợp tác trong các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp, cơ khí, năng lượng, khoáng sản. Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài nhưng Chính phủ sẽ không làm thay cho doanh nghiệp
Tại buổi họp, hai đồng Chủ tịch và doanh nghiệp hai Bên đã thảo luận tích cực tất cả các vấn đề một cách thẳng thắn và thống nhất trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại đầu tư, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, hai Bên sẽ tận dụng tối đa các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã được ký kết.
Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus Semashko Vladimir I. và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký Biên bản khóa họp 14 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật. Hai đồng Chủ tịch cũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản về ý định thành lập liên doanh sản xuất sửa giữa công ty Âu Việt và Liên hiệp công nghiệp thịt sữa Belarus « Minoblmyasomolprom ».
Cũng trong ngày 22 tháng 6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus Vovk Vitaly Mikhailovich để trao đổi về các dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp. Ngoài nội dung về việc thực thi Nghị định thư hợp tác sản xuất phương tiện vận tải tại Việt Nam, Bộ trưởng Vovk mời các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và gửi đề xuất tham gia vào các khu công nghiệp của Belarus. Hiện nay, Belarus đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp cho đến năm 2062 và đã có một số khu đã được đầu tư hạ tầng. Trong bối cảnh Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu đang được thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu đầu tư trong các khu công nghiệp này để thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất (để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh hay các nước láng giềng Ba Lan, các nước Ban-tích), cung cấp dịch vụ (chẳng hạn như khu nghỉ, dịch vụ y tế cộng đồng, y học cổ truyền…). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là một hướng hợp tác triển vọng và sẽ có chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, nghiên cứu và xây dựng đề xuất. Hai Bộ trưởng cũng đã thống nhất sẽ thường xuyên trao đổi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác công nghiệp giữa hai nước.