Trong khuôn khổ chuyến công tác Liên bang Nga, ngày 18 tháng 6 năm 2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Bộ trưởng phụ trách thương mại của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) bà Nikishina Veronika Olegovna nhằm rà soát việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA). Tham dự cuộc họp có ông Ngô Đức Mạnh, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga và đại diện của 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
Hai Bộ trưởng đánh giá các kết quả Hiệp định VN-EAEU FTA đã mang lại trong 1,5 năm đầu tiên từ khi Hiệp định có hiệu lực là hết sức tích cực. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2017 thương mại hai chiều đã tăng 31% so với năm 2016, đạt gần 4 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD (xuất siêu gần 1 tỷ USD). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EAEU đã đạt 1,53 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, hai Bộ trưởng cũng cho rằng mức độ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định còn hạn chế, đặc biệt tỉ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV). Hai Bên sẽ cần nỗ lực hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có thể tận dụng các điều kiện thuận lợi do VN-EAEU FTA mang lại, thúc đẩy thương mại song phương còn nhiều tiềm năng.
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và cầu thị nhằm tìm ra cách thức tháo gỡ các vấn đề thương mại song phương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá Hiệp định VN-EAEU FTA thời gian qua đang được hai Bên thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, một số khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh. Đối với Việt Nam, đó là ảnh hưởng tiêu cực của các quy định về tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn vệ sinh đối với hàng nông lâm thủy sản và biện pháp phòng vệ ngưỡng áp dụng đối với hàng dệt may. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đây là những ngành ưu tiên của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và tăng trưởng GDP. Bộ trưởng đề nghị phía EEC xem xét, có những biện pháp cụ thể để xử lý thỏa đáng những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
Với cách tiếp cận tích cực, thiện chí, hai Bên đã ghi nhận những quan ngại, kiến nghị của phía đối tác để sau cuộc họp mỗi Bên sẽ tổ chức tham vấn nội bộ, phối hợp với các Bộ/Ngành, cơ quan liên quan xây dựng các giải pháp cụ thể. Hai Bên thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để thực thi hiệu quả Hiệp định, tạo thuận lợi tối đa, thúc đẩy thương mại nông-lâm-thủy hải sản, tích cực tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cũng như thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan đến các quy định về nhập khẩu nông sản của mỗi Bên, đàm phán các Hiệp định công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, hai Bên cũng thống nhất sẽ tích cực tham vấn trên cơ sở cân bằng lợi ích chung, nhằm đạt mục tiêu ký Nghị định thư về xây dựng Hệ thống chứng nhận và xác minh xuất xứ Điện tử theo đúng lộ trình đã cam kết vào cuối năm 2018.
Hai Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng, lạc quan rằng các vấn đề vướng mắc sẽ sớm tìm được giải pháp, qua đó vừa góp phần tăng trưởng kim ngạch song phương, vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào VN-EAEU FTA trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng cũng đặt ra mục tiêu cho lần rà soát định kỳ tiếp theo của Hiệp định (được tổ chức 3 năm 1 lần, dự kiến vào cuối năm 2019), theo đó hai Bên sẽ nghiêm túc nhìn vào thực tiễn triển khai Hiệp định, tập trung vào việc tháo gỡ những bất hợp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp hai phía, nhằm thúc đẩy những lợi ích chung, tạo điều kiện để mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EAEU phát triển bền vững theo chiều sâu.