Ngày 24/5/2018, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới – IFC phối hợp với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương tổ chức Lễ ra mắt chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam, với mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt có thêm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu ý kiến.
Trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam thì nguồn cung ứng các sản phẩm hỗ trợ trong nước cho các doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu nhà cung cấp trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết.
Trước tình trạng đó, Chương trình Phát triển nhà cung cấp Việt Nam do Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty tài chính Quốc tế, là thành viên thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới, với sự đồng hành của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ thực hiện mang rất nhiều ý nghĩa.
Chương trình không chỉ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng yêu cầu cao của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới về chất lượng, giá thành, thời gian, mà còn nhiều tiêu chuẩn... Ngoài ra, Chương trình cũng tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên cơ sở tôn trọng, tin cậy lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực ngành Công Thương nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng. Trong đó công nghiệp hỗ trợ có vai trò thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Bộ Công Thương luôn xác định phát triển Công nghiệp hỗ trợ là một trong các giải pháp hàng đầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp Việt Nam cũng như của cả nền kinh tế.
Chương trình hợp tác đào tạo này dự kiến kéo dài trong 2 năm (2018-2019), đào tạo khoảng 45 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước gồm ô tô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của 8 doanh nghiệp đa quốc gia dựa trên cam kết sử dụng nguồn cung ứng trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đây sẽ là nguồn khởi đầu chất lượng cao góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá đây sẽ là một Chương trình đào tạo bài bản, thiết thực đối với các doanh nghiệp Việt. Thành công của Chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới...