Giải pháp thu hút đầu tư năm 2021 của tỉnh Nam Định

Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, thuận lợi để kết nối với thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. NamĐịnh có diện tích đất tự nhiên 1.668 km2, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có chất lượng: người trong độ tuổi lao động khoảng 1 triệu người, chiếm 60% dân số.
+ Hệ thống đường bộ: Các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ kết nối với hệ thống giao thông Quốc gia như Đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình qua Nam Định; Đường Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21; Quốc lộ 10; Quốc lộ 38B; Quốc lộ 37B, Quốc lộ 21B kéo dài... Trong thời gian tới tỉnh đã quy hoạch và được Chính phủ cho phép đầu tư các tuyến đường quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển như: Tuyến đường trục nối từ cao tốc Bắc Nam về khu kinh tế biển; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, tuyến đường bộ ven biển
+ Đường sắt xuyên Việt qua địa bàn tỉnh dài 42 km, với 6 nhà ga thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách và hàng hoá.
+ Có bờ biển dài 72 km, hệ thống sông gồm 4 sông lớn cấp quốc gia: Sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua 251 km, cùng với hệ thống cảng sông và 279 km hệ thống sông địa phương tạo thành một hệ thống giao thông thủy, phân bố đều, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
+ Cảng sông Nam Định: Có chiều dài bến 500m dọc theo bờ hữu sông Đào tại thành phố Nam Định có mực nước sâu 6 - 7m, năng lực thông qua cảng 20 vạn tấn/năm.
+ Cảng biển Hải Thịnh: Đã xây dựng tại cửa sông Ninh Cơ với 2 cầu tàu dài 200 m, 1 nhà kho kín 900 m2 và bãi xếp dỡ 5,5 ha đảm bảo cho tàu 400 - 2.000 tấn cập bến xếp dỡ hàng hóa. Năng lực thông qua cảng 3 triệu tấn/năm và sẽ được nâng cấp thành cảng biển thương mại tổng hợp với công suất 4,5 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Nam Định đã thu hút được 520 dự án đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng vốn (trong đó có 118 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 402 dự án trong nước) với tổng đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng 8 lần so với giai đoạn 2010-2015), trên 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với giai đoạn 2010-2015). Hiện nay Nam Định có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích 2.082 ha. Trong đó có 4 KCN đã được thành lập là: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và KCN dệt may Rạng Đông với 1.110,15 ha. Năm 2020 Tổng sản phẩm GRDP tăng 6,97%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,1%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 16,5%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD.
 
Phối cảnh Khu Công Nghiệp Dệt may | Aurora IP

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo Nam Định sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm thu hút đầu tư như sau:
Thứ nhất là: Tập trung xây dựng và hoàn thành lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến và thu hút đầu tư. 
Thứ hai là: Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, thân thiện với môi trường.
Thứ ba là: đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ TP. Nam Định theo hướng hiện đại. Xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển huyện Nghĩa Hưng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Triển khai xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư là: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công - Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh. Tạo môi trường thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ năm là: xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tập trung vào các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án, khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác